Giỗ quải miền Tây

07/08/2022 08:30 GMT+7

Hồi nhỏ tôi được bà nội dẫn đi thăm thú nhiều nơi, nhân những lần đi đám giỗ ở nhà bà con dòng họ.

Thế nên dẫu chưa nhớ hết đường đi, nhưng mỗi khi nhắc đến tên người là tôi lại nhớ như in tên địa danh. Nhắc đến bà Năm thì nhớ Chắc Cà Đao, nhắc ông Bảy thì nhớ Mặc Cằng Dưng, nhắc cô Sáu thì nhớ Sơn Đốt hay nhắc bác Tám sẽ nhớ Ô Môi… Những tên người, địa danh luôn bồi đắp cho tôi thêm nhiều điều mới lạ sau mỗi lần đi đám giỗ cùng bà nội. Trong những điều tôi biết được ấy, có cả những điều cả nhà chỉ có nội và tôi biết mà thôi.

Mâm cúng với những món ăn giản dị nhưng đầy lòng thành kính

Nguyễn Kỳ Anh

Niềm vinh hạnh đó thường dậy lên mỗi khi nhà nấu món gì ngon, tôi sẽ có chút gia vị bằng lời rằng, “món này ông cố hồi còn sống thích ăn nhứt hạng”. Ban đầu những lần ngây ngô nói vậy, tôi nhận lại bằng sự ngỡ ngàng không tin của ba má. Nhưng dần dà điều ấy thành quen, bởi những ngày giỗ quải tôi là đứa ngồi lê la được từ ngoài bàn trà của cánh đàn ông phía trước nhà cho đến căn bếp vang động tiếng dao nồi của các bà phía sau nhà. Trong bàn trà căn bếp, người lớn thường nói chuyện đời xưa, nhắc nhớ về người quá cố bằng những điều giản dị như thói quen thường làm, món ăn thường dùng để minh chứng rằng, vì sao đám giỗ này thiếu gì cũng được nhưng không thể nào thiếu trái dưa gang?

Dường như những món ăn, thói quen của ông bà đã khuất luôn được tái hiện trong bữa giỗ. Con cháu có thể không nhớ ông bà mình cao một mét bao nhiêu, sanh năm mấy, nhưng sẽ nhớ như in ngày mất và món ông bà thích nhất lúc sanh tiền. Những món ăn có phần đặc biệt, được làm ngon nhất có thể trình lên với ông bà như tấm lòng cháu con dâng cúng. Để rồi thông qua đó, nhắc nhớ lại những đứa cháu con, có đứa chưa hề biết mặt bà cố nhưng nhớ nhắc bà cố thích ăn cá rô. Vì vậy mà có đứa đi làm tận xứ xa, giỗ quải không thể nhang đèn đầy đủ, chỉ có hộp cơm phần có chút cá rô kho, mà thấy như ông bà cũng vui vẻ mỉm cười tấm lòng hiếu thảo.

Những người phụ nữ ở quê chuẩn bị mâm cúng

Nhưng niềm may mắn cho đứa trẻ từng theo bà nội đi ăn giỗ đâu có chỉ bấy nhiêu, mà nó còn là một “danh bạ bà con” chi tiết như “cụ non” của gia đình. Lễ giỗ đối với trẻ con là được gặp bạn bè anh chị cùng trang lứa, thì đối với người lớn cũng là niềm vui ở việc gặp nhau. Bởi các bà các chị gặp không chỉ để hỏi thăm, đổi trao chuyện nhà chuyện đời, “dòm ngó” coi đứa nào được thì mai mối, mà gặp nhau còn mang ý nghĩa để tụi nhỏ biết mặt bà con, dây mơ rễ má. Có lẽ vậy mà hai chữ bà con ở miền Tây thường dài rộng vô chừng, như rễ của một cây cổ thụ tỏa đi khắp nơi, để rồi đụng đâu cũng thấy cùng một cội.

Cậu mợ Năm của tôi lấy được nhau cũng từ bữa giỗ ông bà. Bà ngoại kể, đám giỗ ở tận Mỹ Tho, ngoại đi cả ngày mới đến, cực vậy nhưng trong bếp thấy có con nhỏ vừa hiền vừa giỏi, hỏi tuổi tác thì vừa khớp với cậu tôi nên lần hồi tìm hiểu nhờ mai mối. Lần sau cũng nhân đám giỗ, hai bên sắp xếp cho đôi trẻ gặp nhau, họ cũng để ý từ cách lột dừa của cậu cho đến cách làm cá của mợ. Để rồi có dịp mợ nhờ hái giùm trái dừa, cậu leo thoăn thoắt, cơ bắp lên gân minh chứng rằng đây là một chàng trai lực điền, biết điều và tốt bụng. Không lâu sau những lần gặp nhau nhân lễ giỗ, họ nên duyên vợ chồng. Có sui có dâu ở miệt Mỹ Tho, gia đình ngoại tôi từ đó như dặm thêm mớ rễ vào miền đất tưởng chừng chỉ còn mỗi cọng rễ “bà ngoại” mong manh. Chính vì những mối ràng buộc khi xa khi gần đó, mà hai chữ “bà con” được sinh ra để khái quát lên một mối quan hệ chung có thể xa hoặc có thể gần.

Trên những chuyến xe đò từ thành phố về miền Tây, tôi luôn được nghe hai chữ “bà con” hiện lên một cách đầm ấm và thân thuộc. “Trên xe mình có bà con cô bác nào xuống Trung Lương hông?”, “Bà con nào muốn mua nem về cho cô bác thì kêu lên để xe ghé Lai Vung”… Và cũng trên những chuyến xe như vậy, tôi luôn gặp được bà con thông qua những lời xã giao của hành khách ngồi bên cạnh. Cháu quê ở đâu? Mỹ Luông Chợ Mới hả? Ở chợ Mỹ Luông tui có bà dì tên Tư Ân? À anh rể bà dì là ông cậu của cháu hả? Vậy tính ra mình cũng bà con đó nghen. Hai chữ bà con đó gắn người ta lại với nhau bằng những lời hỏi thăm, động viên nhau cho đến chia cho trái cam trái bưởi định mang về cho con cháu. Rồi một ngày đám giỗ nào đó trong hàng trăm lễ giỗ của dòng họ trong năm, tôi gặp lại người “bà con” trên chuyến xe đò năm nẵm. Mọi thứ dường như rất gần, hồ hởi hỏi thăm nhau “khỏe hông thằng Hai, dạo rài còn đi Sài Gòn mần ăn nữa hông?”. Cái thông tin ngắn ngủn về chuyến xe đò năm nào, giờ trở thành câu hỏi thăm nhau, nên những ngày giỗ quải ông bà, tôi luôn thấy mình không cô đơn lạc lõng dẫu ông bà xa đến nước ngựa chạy ba năm chưa đến, bởi những người bà con luôn “gần xịt” bằng vài ba câu hỏi thăm nhau.

Bà con dòng họ từ gần đến xa gom lại hơn trăm nhà, và cũng có hơn trăm lễ giỗ mỗi năm. Bà nội mỗi lần lật lịch đều nhắc, “đầu tháng này giỗ ông cốc cúng ở nhà bà Năm bên Chắc Cà Đao, mười ba thì giỗ bà cồ cúng ở nhà ông Bảy ở Mặc Cằng Dưng, lui cui cuối tháng lại phải làm bánh ú đi cúng giỗ cậu Năm ở nhà nhắc cô Sáu bên Sơn Đốt”. Dường như hàng trăm lễ giỗ không ai mời nhưng phải đi vì chữ hiếu của cháu con, bà nội đều nhớ rành rọt. Có khi bà nhớ cả những đám giỗ trong xóm hoặc nhà của bạn bè từ thuở xa xưa. Nỗi nhớ ấy trong bà nội như cái khuôn, in lại trong trí óc đứa trẻ - là tôi năm xưa một cách nhớ vanh vách bằng vô thức. Điều đó là niềm tự hào của nội rằng bà đã có một đứa cháu xứng đáng, nối truyền đạo lý, “giỗ quải ông bà thì không bỏ được”.

Nỗi niềm đó của nội đã phần nào hình thành nên tính cách của những đứa cháu. Để rồi lên phố, thơm thảo lại gặp thơm thảo, những lễ giỗ đơn sơ trong những phòng trọ nhỏ cũng có nhau, gọi là “bà con” cho ấm lòng người quê trên phố. Trong những lần giỗ ông bà của hàng xóm, tôi vẫn thấy được món bắp nướng, vịt nấu chao hay chỉ là gói xôi đậu trắng - món ngon nhất dành cho người quá cố vì sinh thời từng là món khoái khẩu.

Nhiều khi gọi về nói với bà nội rằng, tháng sau đám giỗ ông nội, bà nhớ cúng ông cá lóc nướng trui nghen, mà thấy bà nội cười vui như mừng cháu mình còn nhớ là còn nên người dẫu ở xứ xa xôi cách trở!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.