Phong vị miền Tây: Dâu đảm nhờ tài gói bánh

Hoàng Kim
Hoàng Kim
29/06/2021 06:15 GMT+7

Nếu chính nhà mình tổ chức đám giỗ thì càng vui hơn tuy rằng rất vất vả. Và qua chuyện cúng kiến ấy mà nhiều khi một nàng dâu được đánh giá có đảm đang hay không.

Đa số gia đình ở miền Tây phải nuôi sẵn một bầy gà vịt để tới ngày giỗ làm thịt khỏi đi chợ tốn kém. Một bầy trung bình 8 - 12 con là vừa đủ cho một đám giỗ trung bình. Nhưng nhà nào đông con, cộng thêm dâu rể cháu chắt nữa, thì ráng mà nuôi một bầy gà vịt cỡ 20 con trở lên mới đủ. Một đám giỗ ngày xưa mời từ
50 - 100 người là chuyện bình thường. Trong xóm thôi đã vài chục khách, còn bà con ở xa tới nữa, và ai cũng có thể dẫn theo con cháu vô tư, gọi vui là “một hoằng hai ba khạp”. Từ này sẽ lý giải trong bài tiếp theo, rất thú vị. Tình thân gia tộc, xóm giềng tuy có ràng buộc nhưng cũng có cái hay, có dịp đoàn tụ nhiều hơn. Tôi rất thích cái cảm giác ngày xưa vô tới đám giỗ nhà cậu, dì là gặp mấy chục đứa con nít như mình, tha hồ vui đùa trong lúc người lớn lo nấu nướng. Ăn chỉ là một khía cạnh, còn khía cạnh vui và thân tình thì không thể nào tả được.
Phong vị miền Tây: Dâu đảm nhờ tài gói bánh

Bánh tét miền Tây

Ảnh: Quang Viên

Vất vả nhất là ngày hôm trước đám giỗ khi gia đình phải gói hàng trăm đòn bánh tét với vài trăm cái bánh ít để đãi khách và lại quả. Đó là hai thứ bánh đặc sản của miền Tây không thể nào thiếu trong các cuộc giỗ quải. Cả xóm xúm lại làm phụ chủ nhà, bày biện ra khoảng sân rộng, nào lá, nào đậu, nếp, dừa, chuối, nồi, bếp… Cả chục người tay thoăn thoắt gói bánh, miệng kể chuyện gia đình, xóm làng, cười vui vẻ và thân thiết.
Vì vậy mà con gái miền Tây hồi ấy đều phải biết gói bánh trước khi về nhà chồng. Trong những ngày đến phụ giúp làng xóm, các cô được học nghề luôn. Sau này về làm dâu, có giỗ quải thì người ta sẽ nhìn vô tài gói bánh của cô con dâu mà khen hay chê. Đặc biệt ai là dâu út trong gia đình thì phải gánh hết các lệ cúng kiến, phải tổ chức gói bánh và tự mình cũng phải biết gói. Bà chị họ của tôi gói bánh đẹp như mơ, bánh ít thì hình tam giác đầu nhọn, đáy xòe ra cân đối, còn bánh tét thì tròn đều từ trên xuống dưới, dây buộc vừa chặt khiến cái bánh không quá mềm không quá cứng, luộc xong vớt ra cắt thử cái nhưn chuối đỏ au mới đạt chuẩn. Hèn chi, “số” chị làm dâu út trong một gia đình có 10 anh chị em, mỗi năm cúng 8 lệ giỗ, mỗi lệ gói 200 đòn bánh tét và 400 - 500 cái bánh ít, cả họ nhà chồng lẫn làng xóm khen chị đến nỗi dì tôi (má của chị) nở mày nở mặt.
Chưa kể, đàn bà con gái miền Tây cũng phải biết nấu nướng để cáng đáng khi có giỗ. Những món quen thuộc là gà xé phay trộn bắp chuối, cà ri, vịt tiềm, thịt kho rệu (thịt kho nước dừa), lươn xào sả ớt, ếch xào lăn, canh chua cá lóc, tôm tép rim…, hầu hết là sản vật từ đồng ruộng, sông nước. Và cách nấu cũng đơn giản, ít cầu kỳ. Đặc biệt hồi ấy chưa có món lẩu. Điểm nhấn của bàn tiệc là món cù lao, chúng tôi sẽ kể trong một bài sau, bởi món này ngày nay cũng gần như biến mất.
Không thể không nhắc tới sự bày biện trong đám giỗ. Thường có một mâm cúng ông bà đặt trên bàn thờ, một mâm cúng đất đai bày trên bàn giữa nhà đầy trang trọng. Lát sau, cánh đàn ông sẽ ngồi trên bàn này, hoặc nếu đông thì kê thêm bàn nữa. Còn cánh đàn bà con gái thì ngồi riêng, không ngồi chung với đàn ông. Thực tế, món gì ngon nhất đều ưu tiên bưng ra cho những bàn khách đàn ông, còn lại bao nhiêu thì phụ nữ hưởng bấy nhiêu. Dấu ấn phong kiến rõ ràng còn rất đậm nét trong sự bày biện cúng giỗ này.
Thức ăn dành cho cánh phụ nữ thường bày theo hàng dọc trên bộ ngựa (bộ ván gõ), có lót chiếu hoa, rồi mọi người ngồi hai hàng hai bên. Phụ nữ phải ngồi theo kiểu xếp gối, nghĩa là một chân gập lại đặt sát nền chiếu, còn chân kia cũng gập lại nhưng dựng lên tạo thành một góc 90 độ với chân nọ. Chừng nào mỏi thì đổi tư thế hai chân ngược lại, miễn giữ nguyên góc 90 độ. Hồi đó mặc áo bà ba, quần vải thì ngồi như vậy không sao, chứ bây giờ toàn mặc quần tây, quần jeans chật chội, cho nên ai cũng ngồi bàn cho thoải mái, và nam nữ ngồi chung không còn ngại ngùng, trông bình đẳng. Bộ ngựa trên phòng khách ưu tiên cho các bà lớn tuổi, hoặc có vai vế lớn trong họ. Các cô trẻ hơn, vai vế nhỏ hơn, thì ăn ở bộ ngựa phía sau. Nhà xưa đa số có ba gian với nhiều bộ ngựa, người ta có thể ngủ trên đó, khi có đám thì dẹp hết mền gối, trải chiếu mới, bày cỗ lên. Hoặc trong bếp thường có mấy bộ ngựa, cứ dùng thay cho bàn tiệc.
Bữa cỗ khách cứ ăn thoải mái, thức ăn hết thì múc thêm hoài, đến no mới thôi. Cuối ngày giỗ, chủ nhà múc hết vào từng bọc ni lông cho khách mang về, rất ư hào phóng. Thật sự, một đám giỗ miền Tây rất đông đúc và vất vả, nhưng dư âm thì quá vui. Thời người ta còn xem trọng tình thân, xem cúng giỗ là thiêng liêng, thì mỗi lần họp mặt như thế không hề thấy phiền, thấy mệt. Thử tới ngày giỗ mà không đi, xem họ hàng trách móc thế nào! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.