Giới hạn thảm họa

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
04/10/2022 04:19 GMT+7

Vụ bạo loạn tại sân vận động Kanjuruhan sau trận đấu bóng đá ở giải vô địch Indonesia tối ngày 1.10 trở thành một trong những thảm kịch tồi tệ nhất từ trước tới nay.

Hậu quả của nó một lần nữa cảnh báo chúng ta về một “lằn ranh chết chóc” cho công tác tổ chức những sự kiện đông người, nhất là bóng đá.

Indonesia được xem là nơi mà các cổ động viên (CĐV) rất cuồng nhiệt với bóng đá. Nhưng nhiều năm qua, số người chết tại các sự kiện thể thao ở đất nước này không ngừng tăng lên, cho thấy các nhà tổ chức gần như rất chủ quan.

Ai đã từng trải qua những giây phút kinh hoàng trong không khí cuồng loạn mất kiểm soát trên khán đài các sân vận động (SVĐ) tại Indonesia mới có thể hiểu những gì vừa xảy ra tại SVĐ Kanjuruhan (tỉnh Đông Java) như một lẽ tất yếu.

Chúng tôi đã từng tác nghiệp trên khán đài SVĐ Petrokima ở TP.Surabaya năm 2013 - nơi diễn ra trận chung kết giải bóng đá U.19 Đông Nam Á giữa VN và chủ nhà Indonesia. CĐV Indonesia luôn xô đẩy, động tay, động chân mọi lúc, mọi nơi. Họ sẵn sàng tấn công bạn nếu bạn thiếu tỉnh táo và làm họ phật lòng.

Lần ấy, đội bóng chúng ta thua trận nhưng chúng tôi lại thở phào vì kết quả đó đủ làm thỏa mãn một “biển người” CĐV Indonesia để họ không có cớ giận dữ và gây hấn. Nhờ vậy, các vị khách trong đó có chúng tôi mới ra khỏi SVĐ, trở về khách sạn một cách an toàn.

Bóng đá không thể thiếu sự cuồng nhiệt nhưng sinh mạng con người là thứ quý giá nhất, thúc đẩy những nhà tổ chức phải tuân thủ các tiêu chí an toàn một cách nghiêm ngặt. Tiếc thay, nguyên nhân ban đầu chỉ ra rằng, thảm họa Kanjuruhan xuất phát những lỗ hổng tối kỵ mà nhà tổ chức phạm phải.

Pháo sáng, hơi cay… là những thứ bị FIFA cấm trong không gian sự kiện bóng đá, nhưng khi người ta sử dụng nó một cách tùy tiện thì thảm họa xảy ra là khó tránh khỏi. Các CĐV vì vậy cũng cần phải ý thức kiềm chế sự giận dữ để tránh làm bùng nổ sự cố giữa đám đông.

Những điều kể trên xem ra không chỉ là bài học cho riêng Indonesia mà cho tất cả những nhà tổ chức, những cổ động viên bên ngoài lãnh thổ của xứ vạn đảo.

Ở nước ta cũng có vài lần sự manh động, quá khích của CĐV bộc phát trên khán đài. Pháo sáng, pháo thăng thiên là tiền lệ nguy hiểm đã từng xuất hiện. Thậm chí, có người suýt bỏ mạng cũng vì trò chơi nguy hiểm này do một nhóm CĐV gây ra. Vậy mà đâu đó vẫn còn tồn tại nhận thức lệch lạc rằng “bóng đá có pháo sáng mới vui!”. Thậm chí, thời gian qua trong khuôn khổ vài trận đấu giao hữu, vẫn có nhiều CĐV đốt pháo sáng như “cháy rừng” trên khán đài.

Dù ở ta chưa có bạo loạn bóng đá nhưng không có gì đảm bảo rằng điều đó không xảy ra nếu chúng ta không dập tắt ngay lập tức mầm mống cuồng loạn núp bóng sự cuồng nhiệt.

Vì vậy, công tác tổ chức bất kỳ sự kiện đông người nào, nhất là bóng đá nói riêng, thể thao nói chung cũng cần được bàn bạc, đặt ra kịch bản về “lằn ranh chết chóc” hay nói cách khác là “giới hạn trước thảm họa” nhằm chống rủi ro, ngăn chặn hậu quả.

Mọi sự chủ quan đều sẽ phải trả giá mà thảm họa Kanjuruhan tại Indonesia là một bài học còn nóng hổi..

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.