Theo BBC, con số khổng lồ này tương đương với quy mô của nền kinh tế Mỹ và Nhật Bản cộng lại.
Báo cáo của Tax Justice Network, một tổ chức vận động chống việc trốn thuế, được chấp bút bởi James Henry, cựu kinh tế gia trưởng tại Công ty tư vấn McKinsey.
Ông Henry cho biết 21.000 tỉ USD chỉ là một con số dè dặt và quy mô thật sự có thể lên đến 32.000 tỉ USD.
Ước lượng nói trên gần gấp ba lần con số 11.500 tỉ USD được Tax Justice Network đưa ra trong lần nghiên cứu gần nhất vào năm 2005.
Tác giả bản báo cáo đã sử dụng dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng trung ương quốc gia.
Nghiên cứu của ông Henry chỉ tính đến các tài sản được gửi vào ngân hàng và các tài khoản đầu tư, chứ không bao gồm những tài sản khác như bất động sản và du thuyền.
Số của cải được gửi ở nước ngoài tiêu biểu cho “một lỗ đen khổng lồ trong nền kinh tế thế giới”, theo ông Henry.
Báo cáo được công bố giữa lúc có nhiều lo ngại ngày càng gia tăng về việc trốn thuế trên thế giới. Một số nhà chức trách, bao gồm cả ở Đức, thậm chí đã trả tiền để đổi lấy thông tin về những kẻ bị nghi ngờ trốn thuế được tuồn ra từ các ngân hàng.
Theo báo cáo, có 9.300 tỉ USD tài sản gửi ở nước ngoài được nắm giữ bởi 92.000 người, tức chưa đầy 0,001% dân số thế giới.
Lượng tài sản khổng lồ được gửi ở ngoài nước đồng nghĩa với việc 139 quốc gia có món nợ nước ngoài 4.100 tỉ USD có thể trở thành chủ nợ, nếu tính đến khoản tiền 9.300 tỉ USD được các công dân giàu có chuyển ra khỏi biên giới.
Theo báo cáo, số của cải nói trên biểu thị rằng sự bất bình đẳng về giàu nghèo và thu nhập thật sự tồi tệ hơn so với những suy nghĩ trước nay.
Nó cũng có nghĩa là nhiều quốc gia đang mất đi lượng tiền thuế có thể làm giảm nhẹ gánh nặng về tài chính, theo gợi ý của các tác giả.
Tờ Daily Mail dẫn lời ông John Christensen thuộc tổ chức Tax Justice Network nói: Tôi sẽ nói rằng đây là một khoảnh khắc quyết định cho nền dân chủ, bởi niềm tin của chúng ta vào nền dân chủ sẽ không còn nữa nếu người dân không cảm thấy chính phủ đối xử công bằng với những người nộp thuế.
Báo cáo quy trách nhiệm đáng kể cho các ngân hàng đa quốc gia và các định chế tài chính khác vốn đóng vai trò không thể thiếu trong hoạt động chuyển tiền ra những "thiên đường thuế" tại nước ngoài.
Ngành tài chính bí mật và khổng lồ ở nước ngoài “đã thật sự trở thành mặt tối của sự toàn cầu hóa”, báo cáo kết luận.
Sơn Duân
>> “Thiên đường thuế” lung lay
>> Đức, Pháp đồng loạt bố ráp các ngân hàng Thụy Sĩ
>> Tài sản dân Mỹ mất giá gần 40% vì khủng hoảng kinh tế
>> Khủng hoảng kinh tế đã “tàn sát” giới tỷ phú ra sao?
>> Khủng hoảng kinh tế sẽ đạt đỉnh vào năm 2013
Bình luận (0)