Tờ The Guardian ngày 12.5 đưa tin các nhà thiên văn học vừa quan sát một vụ nổ vũ trụ lớn nhất từng chứng kiến, sự kiện được cho là do một đám mây khí gas khổng lồ bị "siêu hố đen" nuốt chửng.
Vụ nổ được ghi nhận xảy ra cách trái đất 8 tỉ năm ánh sáng và sáng hơn 10 lần so với bất cứ vụ nổ vũ trụ nào từng quan sát. Đến nay, vụ nổ đã kéo dài hơn 3 năm khi bắt đầu quan sát từ trái đất.
"Nó không được chú ý cho đến khi nó dần dần sáng hơn", theo tiến sĩ Philip Wiseman, nhà thiên văn học tại Đại học Southampton (Anh) dẫn đầu nhóm nghiên cứu. Chỉ những quan sát tiếp theo mới cho thấy vụ nổ cách xa thế nào, khiến giới thiên văn học bất ngờ về quy mô khó tưởng.
"Chúng tôi ước tính rằng đó là một quả cầu lửa lớn hơn 100 lần so với hệ mặt trời, với độ sáng hơn 2 tỉ lần so với mặt trời. Trong 3 năm, sự kiện này đã phóng thích năng lượng nhiều hơn 100 lần so với mặt trời phóng thích ra trong vòng đời 10 tỉ năm của mình", theo ông Wiseman.
Vụ nổ được đặt tên là AT2021lwx. Giới khoa học cho rằng đây là kết quả của một đám mây khí gas, có thể lớn hơn hàng ngàn lần so với mặt trời, lao vào miệng một hố đen "khủng". Đám mây khí gas có thể bắt nguồn từ vành bụi thường bao quanh các hố đen, dù chưa rõ điều gì khiến nó lệch khỏi quỹ đạo và bị hút vào.
Vụ nổ được phát hiện lần đầu vào năm 2020 bởi một cơ sở quan sát ở California chuyên quan sát bầu trời đêm để tìm kiếm những điểm sáng gia tăng đột ngột, có thể là dấu hiệu của các sự kiện vũ trụ như vụ nổ, thiên thạch bay ngang hoặc sao chổi.
Tuy nhiên, sự kiện trên ban đầu không gây nhiều chú ý, trước khi những chuyên gia quan sát thêm và tính toán khoảng cách mới biết rằng đây là sự kiện cực hiếm. Theo AFP, giờ đây các nhà thiên văn học có thể dựa vào phát hiện trên để tìm kiếm bầu trời xem có những vụ nổ tương tự đã bị bỏ qua hay không.
Bình luận (0)