Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, đối tượng khảo sát tập trung tại khu vực nội - ngoại thành TP.HCM, các trường CĐ-ĐH cả công lẫn tư (qua 5 nhóm: học sinh cấp 1; cấp 2; cấp 3; sinh viên CĐ-ĐH; phụ huynh và giáo viên cấp 1, cấp 2) nhằm tìm hiểu thực trạng văn hóa đọc ở giới trẻ TP.HCM, vai trò của gia đình, nhà trường tác động đến thói quen, xu hướng đọc của giới trẻ.
TS Quách Thu Nguyệt, Phó giám đốc Công ty đường sách TP.HCM, cho biết phương pháp khảo sát dựa trên 5 mẫu bảng câu hỏi được phỏng vấn trực tiếp cho 5 nhóm với tổng số phiếu 1.600. Kết quả cho thấy học sinh cấp 3, sinh viên ở TP.HCM nhận thức khá rõ sự cần thiết, giá trị của việc đọc mang lại cho cá nhân với cấp độ yêu thích đọc sách ở cấp 3 là 68% và ở CĐ-ĐH là 58%. Tuy nhiên với học sinh cấp 1 và cấp 2, khảo sát cho thấy bức tranh về thói quen đọc không mấy tươi sáng. Cụ thể, cấp độ yêu thích đọc sách ở cấp 1 chỉ 42%, cấp 2 là 36%; cấp độ thường xuyên đọc của hai nhóm này cũng dưới 50%. Đáng lưu ý là thời gian dành cho việc đọc sách của hai nhóm này ít hơn nhiều so với thời gian dành cho các thiết bị điện tử như iPad, ĐTDĐ… TS Quách Thu Nguyệt cho rằng đây là 2 nhóm đối tượng cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa trong việc tạo lập cảm xúc yêu thích đối với việc đọc từ môi trường gia đình, nhà trường.
Từ kết quả bước đầu này, Hội Xuất bản VN sẽ đề xuất những giải pháp tác động, phù hợp nhằm tạo lập niềm tin, thói quen đọc trong giới trẻ như: tiếp tục tổ chức tọa đàm khuyến khích đọc sách; vận động các doanh nghiệp đưa sách hay về các tỉnh - thành trong chương trình Dự án sách hay dành cho học sinh tiểu học...
Bình luận (0)