Theo AFP, đây là ví dụ về thực trạng tiếp cận tín dụng nhanh, dễ dàng ở Trung Quốc. Điều này đang khuyến khích nhiều người trẻ Đại lục mắc nợ vì tậu nhà, mua xe trong khi không đủ khả năng chi trả. Đây cũng là ví dụ về thực trạng nợ chất cao ở Trung Quốc. Các khoản vay chính phủ và doanh nghiệp đang làm dấy lên mối lo ngại về cuộc khủng hoảng nợ, khiến hãng xếp hạng tín nhiệm Mỹ Moody’s phải lần đầu tiên trong ba thập niên hạ bậc xếp hạng của Trung Quốc.
“Thật dễ, công ty ô tô khuyến khích bạn vay tiền và tận hưởng chiếc xe”, bà Wu, năm nay 39 tuổi, cho hay. Gia đình bà cũng đang trả dần khoản vay 1 triệu nhân dân tệ dùng để mua căn hộ ba phòng ngủ ở Bắc Kinh.
Từ khi giới lãnh đạo Đại lục đẩy mạnh tín dụng cuối năm 2008 nhằm giúp đất nước thoát khỏi suy thoái kinh tế thế giới, nợ hộ gia đình tăng vọt và đẩy tổng số nợ lên trên 260% GDP. Trước khủng hoảng, tổng nợ nước này chỉ chiếm 140% GDP. Sức tăng trưởng kinh tế chậm lại đang khiến nhiều người lo rằng hoạt động cho vay đầy rủi ro có thể để lại cho quốc gia Đông Á thảm họa còn tệ hơn cả sự sụp đổ từng có tại Mỹ.
Hãng Moody’s cho hay: “Mức nợ như trên không phải là hiếm ở các nước được xếp hạng tín nhiệm cao, nhưng những nước đó có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều so với Trung Quốc. Họ cũng có các thị trường tài chính và thể chế mạnh hơn Trung Quốc”.
|
Nhà kinh tế Chen Long tại Gavekal Dragonomics cho hay nợ hộ gia đình trở thành động lực chính của tăng trưởng tín dụng Trung Quốc khi tăng trung bình 19%/năm kể từ năm 2001. Tiếp đà này, nợ hộ gia đình sẽ đạt 70% GDP và đạt khoảng 66.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020, tăng gấp đôi so với mức hiện hành.
Khoản vay thế chấp chiếm phần lớn nợ hộ gia đình. Người Trung Quốc từ lâu thích đổ tiền tiết kiệm vào nhà đất vì lãi suất huy động tiền gửi ở ngân hàng thấp, thị trường chứng khoán biến động và quy định đầu tư ra nước ngoài khó khăn. Cô Charlie Liu, 26 tuổi, người sở hữu căn hộ và đang cho thuê nó trên trang Airbnb để trả nợ thế chấp 1,4 triệu nhân dân tệ, nói: “Đây là sự lựa chọn an toàn”.
Dù vậy, việc giá căn hộ tăng vọt, đặc biệt là ở một số thành phố lớn, đang bơm căng lo ngại về bong bóng bất động sản. Chính phủ Đại lục đã và đang phản ứng bằng cách thắt chặt quy định hạn chế việc mua bất động sản và nhiều động thái khác để bình ổn thị trường, song giá cả vẫn tiếp tục tăng, khiến người trẻ mua nhà chìm sâu vào nợ nần.
Wang Yuchen, 28 tuổi, người vay ngân hàng 3 triệu nhân dân tệ tháng 8.2016 để mua căn hộ 4,75 triệu nhân dân tệ ở Bắc Kinh, đang kẹt tiền. Anh phải nhờ ba mẹ, bạn bè giúp trả nợ. Wang chia sẻ: “Tôi đã có thể mua căn hộ tương tự với giá 1,5 triệu nhân dân tệ vào năm 2012. Tôi hơi lo nhưng không thể làm gì khác. Năm ngoái tôi kết hôn. Theo truyền thống Trung Quốc, bạn phải có nhà riêng thì mới kết hôn”.
Vay tiền mua xe cũng trở nên phổ biến hơn khi người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, tận dụng tình hình lãi suất thấp. Chuyên gia ô tô Ron Zheng tại hãng tư vấn Roland Berger cho biết việc cho vay mua xe tăng vọt 40% một năm và tốc độ tăng trưởng cao như trên sẽ còn tiếp tục.
tin liên quan
Núi nợ xấu Trung Quốc gấp 10 lần số liệu chính thứcCác khoản vay xấu trong hệ thống tài chính Trung Quốc có thể lớn hơn gấp 10 lần so với mức mà giới chức nước này công bố. Đây là ý kiến của hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings.
Bình luận (0)