Giới trẻ Việt Nam háo hức đặt câu hỏi với phi hành gia 4 lần vào vũ trụ

12/06/2019 20:52 GMT+7

Khán phòng sức chứa 1.000 người của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM vào sáng 12.6 hầu như không còn chỗ trống và giới trẻ Việt Nam tới tấp đặt câu hỏi dành cho vị cựu phi hành gia truyền cảm hứng cho cả thế giới .

Nhân kỷ niệm 50 năm con người đặt chân xuống mặt trăng, Đặc phái viên khoa học vũ trụ của Mỹ, Thiếu tướng Charles Frank Bolden Jr.,  phi hành gia 4 lần vào vũ trụ, đã có chuyến thăm Việt Nam từ ngày 9-12.6.2019 để thúc đẩy hợp tác không gian giữa Việt Nam và Mỹ.
Khán phòng tràn ngập người vào sáng 12.6 Khả Hòa
Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cựu chỉ huy tàu con thoi kiêm Tổng giám đốc của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) từ 2009-2017, đã thổi bùng sức nóng trong khán phòng khi bắt đầu phần trả lời các câu hỏi của khán giả bên dưới.

Vùng 51 và người ngoài hành tinh

[VIDEO] Phi hành gia 4 lần bay vào vũ trụ xuất hiện tại TP.HCM
Người đầu tiên lên tiếng là một bé trai khoảng hơn 10 tuổi. Cậu khoanh tay một cách lễ phép và nói bằng tiếng Anh vô cùng sõi: “Xin ông kể lại trải nghiệm rùng rợn nhất của mình trong không gian?”.
Cậu bé hỏi về trải nghiệm rùng rợn nhất Khả Hòa
Thiếu tướng Bolden bật cười trước câu hỏi, trong khi mọi người vỗ tay rần rần. Ông trả lời một cách hóm hỉm rằng mình khá sợ khi bị ghim kim lấy máu. Ông thêm rằng có lần ông đang trên tàu con thoi được phóng vào không gian và bị mất liên lạc với trạm mặt đất suốt 2 giờ, nhưng may mắn mọi chuyện vẫn ổn.

Suy cho cùng, sau bao nhiêu năm thám hiểm không gian, con người vẫn chưa tìm được một Trái đất thứ hai

Đặc phái viên khoa học vũ trụ Mỹ, Thiếu tướng Charles Frank Bolden
Một câu hỏi khác của một người trẻ tuổi cũng khiến nhiều người bật cười là liệu ông Bolden có từng thăm Vùng 51 hay không. 
Cựu tổng giám đốc NASA rất nghiêm túc trả lời Vùng 51 là địa quân sự tuyệt mật của Mỹ nằm sâu trong sa mạc Nevada, là nơi thử nghiệm nhiều dự án mật của quân đội Mỹ. Và cũng vì thế đây là nơi bắt nguồn nhiều thuyết âm mưu khét tiếng liên quan đến người ngoài hành tinh.
Theo báo chí Mỹ, đến nay một số người vẫn tin rằng Vùng 51 là nơi Mỹ bắt được đĩa bay của người ngoài hành tinh và là cơ sở nghiên cứu về các vị khách ngoài vũ trụ. “Chào mừng đến nước Mỹ”, ông cười hóm hỉnh.

Mơ ước làm phi hành gia

Tất nhiên, có những câu hỏi khiến ông Bolden thật sự ấn tượng, chẳng hạn như sứ mệnh của tàu không gian Cassini và cái kết của nó khi đâm vào sao Thổ ngày 15.9.2017. Theo vị cựu tổng giám đốc NASA, không phải học sinh, sinh viên Mỹ nào cũng biết về Cassini.
Một cậu bé liên tục đi theo ông Bolden với mong muốn được đặt câu hỏi Thụy Miên
Một cô bé thắc mắc: “Liệu con người tương lai có thể sống trong không gian hay không?”, và câu trả lời là “hoàn toàn chắc chắn”. Và mục tiêu tương lai đã giúp con người kéo dài thời gian sống trong điều kiện không gian.
Một cậu bé học lớp 8 hỏi: “Nếu con cố gắng học giỏi và nỗ lực hết mức, con có thể gia nhập NASA không?”. Ông cho hay rất tiếc là cậu bé không thể trở thành phi hành gia của NASA (vì yêu cầu quốc tịch), nhưng hoàn toàn có thể là phi hành gia kế tiếp của Việt Nam theo bước phi công Phạm Tuân.
Một cô bé xem kính thiên văn trong ngày hội Space Day tổ chức trùng với thời điểm ông Bolden đến Việt Nam Khả Hòa

Cứu lấy Trái đất

Ông nhớ lại khoảnh khắc hớp hồn khi lần đầu đi vào ranh giới giữa Trái đất và vũ trụ, một ấn tượng không bao giờ phai nhòa khi nhìn thấy màu xanh mướt ở bên dưới. “Chúng ta phải làm việc cật lực để duy trì thế giới như vốn có”, ông nhắc nhở, và đề cập đến cụm từ “climate refugee”, tức tị nạn vì khí hậu. Đó là những con người phải bỏ xứ vì thời tiết khắc nghiệt khiến họ mất đi tổ ấm và kế sinh nhai tại quê nhà.
Một hình ảnh đáng báo động được ông trình bày trên màn hình, thời khắc dừng ở năm 2015, nhưng cả Trái đất của chúng ta bị phủ bởi một màu vàng cam, dấu hiệu cho thấy tình trạng ấm lên toàn cầu đã lan khắp. “Hãy chung tay hành động để cứu lấy quả đất này. Suy cho cùng, sau bao nhiêu năm thám hiểm không gian, con người vẫn chưa tìm được một Trái đất thứ hai”, ông nhấn mạnh.
"Spaceship Earth. It's the only one we have", lược dịch Con tàu không gian Trái đất. Đó là con tàu duy nhất mà chúng ta đang có, cựu phi hành gia NASA kết luận.

Thiếu tướng Charles Frank Bolden Jr., Tổng giám đốc NASA từ 17.7.2009 cho đến khi nghỉ hưu vào ngày 20.1.2017. Tại NASA, ông Bolden chịu trách nhiệm giám sát để đảm bảo quá trình chuyển đổi an toàn từ 30 năm thực hiện sứ mệnh Tàu con thoi sang kỷ nguyên khám phá mới tập trung vào việc sử dụng tối đa Trạm vũ trụ quốc tế và phát triển công nghệ hàng không và vũ trụ. Các hoạt động khoa học năng động của NASA dưới sự lãnh đạo của ông Bolden bao gồm một cuộc đổ bộ chưa từng có trên Sao Hỏa bằng tàu Curiosity, phóng tàu vũ trụ tới Sao Mộc và tiến tới sự ra mắt năm 2018 của Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST), kế thừa của Kính viễn vọng Không gian Hubble.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.