'Ai ở đâu ở yên đó' nhưng vẫn có thể thành F0 từ chính việc này

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/08/2021 16:59 GMT+7

Từ hôm nay, 23.8 'ai ở đâu ở yên đó' tại TP.HCM, nhưng có những việc buộc phải ra đường như đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 hay đi tiêm vắc xin. Nếu không chú ý, rất có thể bạn trở thành F0 từ các nơi này.

Bắt đầu từ hôm nay, 23.8, “ai ở đâu ở yên đó”. Đồng thời, tại các quận, huyện, TP Thủ Đức trên toàn TP.HCM sẽ đồng loạt lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng, phát hiện các F0 theo từng vùng nguy cơ. Người dân ở “vùng đỏ”, “vùng cam” phải được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong 3 ngày .
Đồng thời, trong suốt những ngày qua, việc tiêm vắc xin tại các điểm tiêm tại mỗi phường, xã vẫn diễn ra. Các bạn trẻ là tình nguyện viên hỗ trợ tại các điểm tiêm, các bác sĩ có những lời khuyên thiết thực để mỗi người tự biết phòng vệ, bảo vệ mình trước khi có thể bất thình lình trở thành F0 tại các địa điểm này.

Dự báo F0 tại TP.HCM sẽ tăng khi xét nghiệm Covid-19 diện rộng

“Cô bác ơi muốn nói chuyện thì kết bạn Zalo”

Có mặt tại điểm tiêm vắc xin trong cộng đồng ở Trường THCS Lý Thánh Tông, P.9, Q.8, TP.HCM chiều qua (22.8), chúng tôi ghi nhận những bạn trẻ là tình nguyện viên, đội ngũ nhân viên y tế làm việc không có phút giây nghỉ ngơi. Người hướng dẫn ở lối vào, người hỗ trợ bà con ghi tờ khai, người hỗ trợ khai báo y tế, người khám sàng lọc và tiêm, người nhập liệu trả phiếu đã tiêm chủng cho người dân…

Người dân xếp hàng để đợi tiêm tại điểm tiêm Trường THCS Lý Thánh Tông, Q.8 chiều 22.8

Ảnh Thúy Hằng

Bên cạnh nhiều người giữ trật tự, khoảng cách tại điểm tiêm, nhiều người còn… tám chuyện trong lúc chờ lấy phiếu. Có thời điểm, các bạn trẻ đang nhập liệu phải đứng lên nhắc nhở, mọi người nên giãn cách để an toàn. "Các cô bác ơi mình đừng nói chuyện riêng nữa, nói chuyện bọn con không làm việc được, ghi sai hết thông tin cá nhân của cô bác. Mình muốn nói chuyện thì mình xin số Zalo rồi về nói chuyện nghen cô chú”, một nam tình nguyện viên lên tiếng.
Nguyễn Hoàng Thiên Trang, 23 tuổi, hỗ trợ điểm tiêm vắc xin trong P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM cho hay, để việc tiêm vắc xin được an toàn, khẩn trương rất mong người dân tuân thủ 5K, xịt khuẩn thường xuyên, đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn, giữ trật tự chung, xếp hàng chờ tới lượt, hợp tác với đội ngũ điều phối, nhân viên y tế để tránh lây nhiễm, bởi rất có thể người bên cạnh mọi người là F0, F1.
“Tụi em đeo khẩu trang nên nói lớn, nhiều khi sợ bà con giận là đang la mọi người nên đã dán các tờ thông báo trên tường để ai đến tiêm vắc xin hiểu, đừng giận tụi em kẻo tội nghiệp. Tình nguyện viên hỗ trợ tại các điểm tiêm rất cực, nhiều khi tối về mỏi mệt rã người, không ăn nổi cơm, nên rất mong nhận được sự hỗ trợ, hợp tác từ phía người dân”, nữ tình nguyện viên chia sẻ.

Tình nguyện viên hỗ trợ điểm tiêm tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú

Ảnh CTV

Chị Mai Loan, tình nguyện viên hỗ trợ điểm tiêm vắc xin tại Trường tiểu học Phan Chu Trinh, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM cho hay, tại điểm tiêm này, các tình nguyện viên xếp ghế khoảng cách sẵn có. Sau khi đo thân nhiệt và xịt khuẩn tay, người dân được hướng dẫn vào ngồi ghế đợi, sau đó tình nguyện viên phát giấy cho người dân điền thông tin. 
Sau đó, tình nguyện viên kiểm tra, mọi người lần lượt di chuyển theo hàng có khoảng cách đến nơi kiểm soát cuối cùng, được đóng dấu đạt và số thứ tự, mới được đo huyết áp. Những người trên 65 tuổi, người khuyết tật, người không biết chữ được 1 nhóm hỗ trợ ưu tiên điền thông tin. “Chúng tôi luôn nhắc nhở bà con giữ khoảng cách, hạn chế nói chuyện với nhau, vì thật sự chúng ta không biết ai là F0, F1 đang ở gần bên mình”, chị Mai Loan trao đổi.

Bản tin Covid-19 ngày 23.8: Cả nước 10.397 ca mới, TP.HCM ngày đầu tiên trong 2 tuần quyết định

Sai một bước, thành F0!

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng khám đa khoa Tâm An, huyện Nhà Bè, TP.HCM cho biết TP.HCM đang siết chặt hơn các biện pháp chống dịch, người dân “ai ở đâu ở yên đó”, trừ phải đi tiêm chủng hoặc đi lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Nhưng tại đây có thể nhiều F0, nếu không cảnh giác thì nhiều người có thể lây nhiễm.
Là một bác sĩ, đồng thời đang tham vấn cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà thời gian qua, bác sĩ Lâm nhận thấy trong số này có nhiều F0 không ra khỏi nhà mấy tuần nay, họ chỉ đi chích ngừa hoặc đi lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng. Do đó, có thể họ đã thành F0 từ chính những lần tiếp xúc tại 2 nơi này.
Theo bác sĩ Lâm, để khắc phục tình trạng trên, cần nghiêm túc thực hiện, có kiểm tra giám sát các vấn đề như: Nhân viên y tế, đội lấy mẫu, đội tiêm chủng cần thường xuyên xịt sát khuẩn tay, phải ướt găng tay 2 mặt mới có hiệu quả; Nhân viên các chốt kiểm soát phải xịt sát khuẩn tay trước và sau khi kiểm tra giấy tờ của mỗi người dân đi đường. Nếu không, đây là lỗ hổng làm lây lan Covid-19, khiến nhiều người trở thành F0.
“Gần 20 nhân viên phòng khám của tôi ròng rã hơn một tháng nay tham gia đội lấy mẫu, đội tiêm vắc xin cho bà con, tôi thường xuyên động viên các bạn cố gắng làm tốt nhất có thể để không làm lây nhiễm, tăng thêm các F0 trong cộng đồng”, bác sĩ Lâm nói.

Lấy mẫu trong cộng đồng hồi cuối tháng 6.2021 tại Q.8, TP.HCM

Ảnh Thúy Hằng

Từ hôm nay, nhiều quận huyện, TP Thủ Đức của TP.HCM sẽ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trong cộng đồng theo các vùng nguy cơ, vậy cần phải chú ý gì để an toàn, không trở thành F0? Bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm đưa ra các bước để mọi người thực hiện: Trước khi đi khò họng bằng dung dịch chứa Chlorhexidine hoặc nước muối sinh lý, xịt rửa mũi kỹ. Đeo 2 khẩu trang y tế. Đeo kính chống giọt bắn. Đội nón con sâu (nón chụp đầu dùng trong y tế). Đem theo chai sát khuẩn lớn, chủ động xịt sát khuẩn ghế ngồi.
“Điều rất quan trọng là xịt sát khuẩn tay cho nhân viên y tế. Khi lấy mẫu, chỉ kéo khẩu trang xuống khỏi mũi, nên hít một hơi vào rồi hãy kéo khẩu trang xuống. Sau khi lấy mẫu xong, lột bỏ 1 khẩu trang bên ngoài, xịt sát khuẩn những chỗ trên người mà nhân viên y tế chạm vào như sau cổ, khẩu trang, vai ....”, bác sĩ Lâm khuyên.

Tình nguyện viên làm việc rất vất vả những ngày qua tại các điểm tiêm vắc xin trong cộng đồng ở TP.HCM

Ảnh CTV

Đồng thời, theo bác sĩ Lâm, sau khi đi lấy mẫu xét nghiệm xong thì về nhà, đi thẳng vào nhà vệ sinh bỏ nón con sâu, thay khẩu trang, thay quần áo, tắm rửa, khò họng, xịt rửa mũi, bỏ quần áo vào giặt riêng, xông mũi họng. “Cần chú ý thẻ xe, thẻ thang máy, tiền dư… cần khử khuẩn tất cả những gì từ bên ngoài đem về nhà. Các bạn nên thực hành thử ở nhà để tránh bỏ sót các khâu, tránh biến mình thành các F0”, bác sĩ Lâm đưa ra lời khuyên.
Bác sĩ Lâm cũng cho biết, rất cảm động trước tinh thần làm việc ngày đêm, không quản ngại khó khăn của đội ngũ các bạn trẻ tình nguyện viện, nhân viên y tế tham gia chống dịch, hỗ trợ các điểm lấy mẫu xét nghiệm trong cộng đồng hay các điểm tiêm vắc xin. Song, bác sĩ cũng mong muốn kêu gọi ý thức thận trọng của tất cả mọi người. Từ người dân tới các tình nguyện viên, nhân viên y tế, nếu không tuân thủ 5K cũng có thể lây lan dịch bệnh, có người sẽ là F0 từ các điểm xét nghiệm hay chích vắc xin này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.