Ấm lòng những bát cháo đêm

22/01/2019 07:30 GMT+7

Hằng đêm, có những bạn trẻ lặng lẽ vào từng ngõ ngách của TP.HCM để trao những bát cháo nóng do chính tay các bạn nấu.

Những sinh viên (SV) này đã nán lại thành phố với mong muốn làm được một điều gì đó, dù nhỏ nhưng ý nghĩa, cho cộng đồng trước khi về quê đón tết đầm ấm cùng gia đình.

Bát cháo và những câu chuyện đời

Trời vừa nhá nhem tối, mỗi bạn trẻ một việc, chuẩn bị những bát cháo ấm nóng rồi rong ruổi khắp nẻo đường của thành phố để trao tận tay cho những người vô gia cư, đang co ro hoặc nép mình ở một góc đường nào đấy.
Họ không đến từ một câu lạc bộ nào, chỉ là những bạn SV chơi chung với nhau và có chung mong muốn giúp ích cho cộng đồng. Năm nay các bạn quyết định tổ chức những hoạt động kinh doanh để gây quỹ thực hiện các chương trình tình nguyện xuân. Phát cháo đêm là một trong những hoạt động trong chiến dịch lần này của nhóm.
21 giờ, sau khi mọi công đoạn đã chuẩn bị xong, gần 30 bạn trẻ xuất phát tại chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh), mỗi nhóm nhỏ từ 5 - 7 thành viên và bắt đầu hành trình đến với người vô gia cư trong đêm.
Điều đặc biệt, không chỉ đi trao những bát cháo ấm nóng mà các bạn trẻ và những người vô gia cư còn cùng chia sẻ những câu chuyện đời, chuyện mưu sinh.
Có lẽ vì thế mà Đặng Tất Thắng (SV Trường ĐH Luật TP.HCM, thành viên của nhóm) nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Không cần phải đi quá xa để hiểu được nhiều điều, nhiều khi ta có thể thay đổi bản thân từ những điều gần gũi xung quanh. Tụi em trưởng thành ngay trong những câu chuyện của các mảnh đời khó khăn giữa đêm Sài Gòn này. Dù khó khăn, nương nhờ nơi đầu đường xó chợ nhưng các cụ, các bác vẫn luôn lạc quan, cố gắng kiếm tiền chân chính và luôn mỉm cười. Đó luôn là những bài học quý giá mà tụi em nhận được từ những đêm phát cháo như thế này”.
Cụ Cao Thị Loan (67 tuổi, quê Tiền Giang) ngồi ở một góc đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM) nhận bát cháo nóng của Thắng rồi rưng rưng nước mắt: “Chưa có ai đi làm từ thiện mà được như các cháu, ngồi nói chuyện và chịu nghe bà kể chuyện như thế này, bà quý lắm. Cuộc đời bà khổ nhưng thấy các cháu thế này là bà vui. Phải cố gắng học hành nhé, cho ba mẹ đỡ khổ, các cháu cũng đỡ khổ”.
Lỡ đi ngang qua một cụ ông ngoài 70 tuổi khuất trong mép đường tối mịt, Thắng liên tục nhắc các bạn để dành phần cháo lại cho cụ ông đó. Gần 0 giờ, nhóm quay lại và ông cụ vẫn nằm đấy. Nhưng ông từ chối nhận cháo, bảo đã ăn rồi và chỉ tay vào một chú khác đang nằm ở gần đó. Nhóm tặng những chiếc áo khoác quyên góp được nhưng ông cũng không nhận, bảo: “Ông đang mặc đồ đây còn gì. Còn nhiều người cần những cái này lắm”.

Khi lòng tốt được lan tỏa

Nhiều bạn trẻ khác khó giấu được cảm xúc khi chứng kiến những khoảnh khắc đôi tay run run vì đói lả của các cụ khi nhận được những phần cháo nhỏ trong đêm, rồi móm mém cười biết ơn. Hay đôi khi chỉ là một câu nói của chú Hồ Văn Bé (quê An Giang) khi nằm trên miếng cạc tông ở đoạn đường Võ Thị Sáu, Q.3: “Con đến trễ quá, giờ này chú không dám ăn vì sợ sẽ quen cái miệng, mấy ngày sau vào giờ này đâu có mà ăn thì lại xót ruột”!
“Phải đi, phải cảm nhận mới thấy được ngoài xã hội còn rất nhiều số phận đáng thương. Sống trong chăn ấm nệm êm, tụi em đâu biết được bao nhiêu người ở cái tuổi gần đất xa trời, hay những em bé còn rất nhỏ nhưng phải dầm mưa chịu gió, co ro ở ngoài đường. Em biết rằng những việc làm của tụi em chỉ nhỏ thôi, nhưng trong một giây phút nào đó em đã mang lại được niềm vui và hạnh phúc cho những con người thực sự cần chúng”, Phan Thúy Quỳnh (SV Trường ĐH Luật TP.HCM) bày tỏ.
Trong một đêm các SV này đi phát cháo, anh Nguyễn Xuân Cường (Bình Dương) chở khách đi xe ôm từ Bình Dương lên TP.HCM, xin nhập “hội”. Anh Cường tình nguyện chạy trước để thăm dò tình hình. “Phía trước có 2 cô này tội lắm, vào sâu trong hẻm này còn có mấy trường hợp nữa nhé…”, anh Cường thông báo với các thành viên nhóm sau khi “tiền trạm” xong.
Đi để hiểu mình còn may mắn hơn nhiều người
Những ngày này, các SV của đội công tác xã hội Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM cũng thực hiện chương trình “Cháo ấm đêm xuân”. Các bạn gây quỹ bằng cách bán bánh tráng, nước chanh, trà đào ở khu vực làng đại học. Đêm 17.1, các bạn nấu 150 phần cháo và trao cho từng hoàn cảnh vô gia cư tại đường 3 Tháng 2, Q.10. “Ngoài ý nghĩa giúp đỡ cho cộng đồng thì chương trình còn rèn cho các tình nguyện viên sự chia sẻ, bài học về tình người. Một đêm cháo thực sự không giúp được nhiều nhưng giúp các bạn gắn kết làm nên một chương trình ý nghĩa, giúp các bạn hiểu được là mình may mắn hơn rất nhiều mảnh đời bất hạnh để phải biết tự nỗ lực, trở thành người có ích cho xã hội”, Nguyễn Trọng Nghĩa (đội trưởng) chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.