Bộ ảnh 'về quê giỗ Nội' làm lay động trái tim người xa xứ

Nguyễn Điền
Nguyễn Điền
24/07/2021 13:00 GMT+7

Chàng trai 9X Nguyễn Kỳ Anh đã ghi lại khoảnh khắc sống động về ngày đám giỗ trong bộ ảnh “về quê giỗ Nội” làm lay động trái tim người xa xứ.

Đám giỗ là một nét đẹp trong văn hóa của người dân Nam bộ, một dịp để gia đình sum họp, bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã khuất. Những người xa quê đều mong muốn trở về nhà gặp lại người thân, quây quần bên mâm cơm ngày giỗ ông bà. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 bùng phát nhiều nơi khiến tất cả bị kẹt lại nơi thành phố và một số bạn trẻ lỡ hẹn với người thân vào dịp quan trọng này.
Hiểu được nỗi lòng của những người con xa quê, Nguyễn Kỳ Anh (26 tuổi, làm thiết kế nội thất tại TP.HCM) đã đăng tải dòng trạng thái đầy cảm xúc trên trang Facebook cá nhân cùng với bộ ảnh mang tên “Về quê giỗ Nội” mà anh này thực hiện hồi năm 2020 khiến nhiều người trẻ đồng cảm.

Mâm cúng với những món ăn giản dị nhưng đầy lòng thành kính.

NVCC

Kỳ Anh viết: “Sắp giỗ Nội rồi, mọi thứ đang quá khó khăn với tất thảy ngoài kia, Mẹ ở nhà chắc cũng chỉ có thể nấu một mâm cơm chay, cắm một bình hoa cúc trắng, thay mọi người thắp cho Nội một nén hương. Giỗ năm nay Nội đừng buồn nhen. Ở những tháng ngày này, những ai xa nhà lại càng da diết nỗi nhớ quê. Nhớ nhiều đến nỗi cay xè nơi khóe mắt! Quê mình bây giờ cũng đau đáu xót xa”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, Kỳ Anh cho biết bộ ảnh này được thực hiện vào ngày 22.7.2020 âm lịch, cũng là ngày giỗ của bà Nội anh.

Khung cảnh những người phụ nữ quê cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ

NVCC

“Từ nhỏ, tôi đã lớn lên bằng lời ru của nội, được bà móm cho từng muỗng cơm nên tôi dành tình thương rất lớn đối với bà. Ngày xưa không có máy ảnh, muốn chụp cho nội một tấm hình cũng không làm được. Bây giờ tôi có điều kiện mua được nhiều máy ảnh hiện đại nhưng thứ tôi muốn chụp là hình bóng một người bà hiền hậu thì không bao giờ thực hiện được nữa. Đây là điều hối tiếc nhất của cuộc đời tôi”, Kỳ Anh bộc bạch.

Khung cảnh bình dị của làng quê Nam bộ được thể hiện qua ống kính của Kỳ Anh

NVCC

Bộ ảnh thể hiện những khoảnh khắc bình dị nơi quê nhà của Kỳ Anh tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp trong ngày giỗ nội. “Đó là hình ảnh các bà, chị em gái trong nhà cùng nhau quây quần bên một mâm rau củ, thịt,…công việc thì nhiều nhưng trên môi ai cũng nở nụ cười bởi những câu chuyện làng, chuyện xóm. Những người đàn ông thì làm gà, làm vịt, xếp bàn ghế,… bên nào cũng nhộn nhịp vui như hội. Đây là những phút giây mà tôi hạnh phúc nhất khi được thực hiện đam mê chụp ảnh trong chính ngôi nhà của mình”, Kỳ Anh kể.

Những món ăn hấp dẫn qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Nam bộ

NVCC

Người xem như bắt gặp chính bản thân mình trong bộ ảnh của Kỳ Anh bởi những hình ảnh gần gũi, thân quen, đặc trưng của làng quê Nam bộ như: người phụ nữ đẹp giản dị trong trang phục đồ bộ, bà ba, cùng nhau chuẩn bị mâm cỗ, hay cái bếp củi đang cháy bừng tỏa mùi khói trong căn nhà được dựng lên từ lá cây dừa nước,…Các món ăn của ngày giỗ ở miền Tây như gỏi ngó sen trở nên hấp dẫn và sinh động hơn bao giờ hết qua ống kính của Kỳ Anh.
Anh mong muốn truyền đi thông điệp “Gia đình là trên hết” tới người trẻ: “Hãy trở về nhà nhiều hơn và dành thời gian cho người thân trong gia đình, có thể là dịp đặc biệt như đám giỗ. Bản thân tôi đã trải qua cảm giác mất đi người thân yêu nhất nên bạn sẽ không bao giờ biết được liệu rằng cuộc gặp trong lần về nhà gần nhất có phải là lần gặp mặt cuối cùng hay không. Thời gian là hữu hạn, bạn còn trẻ nhưng người thân của bạn thì không, hãy trân trọng những giây phút khi còn họ bên cạnh”, Kỳ Anh chia sẻ.

Bàn thờ ông Thiên, một nét văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người dân miền Tây

NVCC

Kỳ Anh cắm hoa chuẩn bị dâng lên cúng ông bà

NVCC

Theo Kỳ Anh, hiện nay do cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực nên đôi khi người trẻ không thể trở về nhà trong ngày giỗ ông bà, đám giỗ nhà quê cũng không còn đông đúc nhộn nhịp như xưa. Thông qua bộ ảnh “về quê giỗ Nội”, anh mong muốn góp phần xoa dịu nỗi nhớ quê cho những người xa xứ, đồng thời nhắc nhớ lại một nét văn hóa tốt đẹp của người dân miền Tây Nam bộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.