Cách mạng công nghiệp 4.0: Thời cơ của người trẻ

16/04/2017 09:33 GMT+7

Năng lực trí tuệ là yếu tố nhấn mạnh để quyết định mọi việc trong xu thế mới và từ đó sẽ tạo ra cơ hội phát triển. Nhưng đó cũng là thách thức to lớn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong ngành giáo dục để đào tạo ra những con người có thể đáp ứng được nhu cầu đó.

Cơ hội
Xuân Trang - sinh viên năm thứ nhất của một trường ĐH khá nổi tiếng tại TP.HCM, cho biết vừa kết thúc đợt thi kiểm tra môn tin học văn phòng. Nội dung của 75 tiết học môn này là cách sử dụng các phần mềm cơ bản như Word, Excel mà lúc còn là học sinh phổ thông trung học em đã học xong.
Bên cạnh đó, việc học bài, làm bài, chấm thi ở trường của Xuân Trang cũng chủ yếu thực hiện trên giấy trắng mực đen...
Nhìn chung, đa số những nội dung được giảng dạy ở các trường ĐH VN hiện nay vẫn như cách đây 10 năm về trước. Tuy nhiên, Trang và bạn bè của mình vẫn biết đến những mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ như Uber, Grab hay đặt phòng đi du lịch qua Airbnb...
Tiến sĩ (TS) Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT, khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp mới hiện nay tạo ra những cơ hội ngang nhau trên phạm vi toàn cầu. Điều quan trọng nhất là ai nắm bắt được cơ hội sớm thì sẽ thành công cao hơn. Đây chính là thách thức cực kỳ to lớn cho lĩnh vực giáo dục đào tạo của VN khi đang từ mô hình cũ để chuyển mình sang mô hình mới phù hợp xu thế.
Còn TS Trần Nam Dũng, Khoa Toán -Tin học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho rằng từ trước đến nay, ngành giáo dục VN chỉ hướng đến đối tượng học sinh phổ thông để học ĐH, học nghề rồi sau đó đi làm. Thế nhưng cách mạng công nghiệp 4.0 lại đòi hỏi ngay cả những người đã đi làm, từ công nhân đến kỹ sư đều phải thay đổi, cập nhật về kiến thức, kỹ năng ở mức độ cao hơn. Từ đó yêu cầu các trường đào tạo dạy nghề phải thay đổi cho phù hợp yêu cầu đó.
Thế nhưng hiện nay nội dung các chương trình học ĐH của VN vẫn không thay đổi nhiều so với trước. Trong khi chúng ta hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian giảng dạy các môn cơ bản, thời gian còn lại của bậc ĐH cần phải giảng dạy những nội dung cần thiết để đáp ứng nhu cầu làm việc của các doanh nghiệp, của nền kinh tế nói chung.
Ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, chia sẻ thêm: điều quan trọng trong xu hướng mới là nền tri thức chia sẻ, qua những nền tảng như Facebook, YouTube, Grab, Uber... cho thấy kiến thức không thể bó hẹp và độc quyền bởi một người hay trong một phạm vi tổ chức. Sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận, tích lũy, chắt lọc cái mới, cái hay, có nhiều cơ hội để trở thành một sinh viên toàn cầu. Phần thưởng cuối cùng không còn là bằng cấp trên giấy tờ nữa, mà là bằng cấp theo nghĩa mở rộng, trao đổi tri thức, sáng tạo, giá trị đóng góp cho xã hội. Đó mới là bằng cấp vững bền. Tương tự, cũng cho rằng có nhiều cơ hội để sinh viên và giới trẻ thay đổi, học hỏi nhưng theo giảng viên Vũ Tùng, Trường ĐH Tài chính - Marketing (TP.HCM), hầu như chỉ mới dừng lại ở mức độ giáo viên giảng dạy bằng máy chiếu, video, chia sẻ tài liệu trên mạng. Kinh phí eo hẹp cũng là một trong những điểm chính khiến các ứng dụng khoa học công nghệ chưa phát triển trong trường học.
Tăng cường trí thông minh nhân tạo vào cuộc sống
Nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, PGS-TS Hồ Thanh Phong cho rằng trường ĐH cần có những chuẩn bị về chương trình đào tạo trên cơ sở lắng nghe, xem xét để có sự điều chỉnh phù hợp. Đó là sự tích hợp vào các ngành học kiến thức liên quan đến trí thông minh nhân tạo, đẩy mạnh ứng dụng internet, trang bị môi trường học tập và nghiên cứu thông minh... Từ đó tạo điều kiện để sinh viên được học tập, làm việc trong môi trường tự động hóa cao, tránh bỡ ngỡ khi làm việc trong môi trường ít nhân công.
PGS-TS Dương Anh Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cùng nhận định: cái gốc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là tăng cường trí thông minh nhân tạo vào cuộc sống. Trong đó con người đóng vai trò quan trọng nhất để tạo ra và khai thác môi trường này. Do vậy nếu trường ĐH không chú trọng vào chất lượng nguồn nhân lực thì sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề.
Tư duy cũ là chết
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị kiến thức mới, chủ yếu là kỹ năng sáng tạo. Trong mọi lĩnh vực ngành nghề, những đột phá về công nghệ mới như trí thông minh nhân tạo, robot, phương tiện độc lập, in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học lượng tử sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn tới đời sống xã hội. Khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mỏng manh.
Theo TS Lê Trường Tùng, các phương thức giảng dạy cũ không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội. Ví dụ như nhu cầu của sinh viên là ngồi ở đâu cũng có thể truy cập vào được thư viện của trường để tự học, tự nghiên cứu. Như vậy không thể chỉ tồn tại mô hình thư viện truyền thống mà các trường phải xây dựng được thư viện điện tử. Hoặc chúng ta sẽ có những mô hình giảng dạy mới như đào tạo trực tuyến không cần nhà trường, không cần giáo viên. Trong đó học sinh sẽ được hướng dẫn học qua mạng, chỉ có giáo viên chấm điểm sau. Thậm chí, còn tiến tới việc sinh viên lớp trước chấm điểm, hướng dẫn cho sinh viên lớp sau hay kiểm tra chéo nhau giữa các sinh viên nên hoàn toàn có thể không cần đến giảng viên. Một điểm khác nữa là cũng phải thay đổi tư duy bằng cấp như hiện nay. Bởi một doanh nghiệp tuyển dụng là cần người làm được việc chứ không cần người có văn bằng cao. Từ đó có thể bỏ việc yêu cầu về bằng cấp hay xem đó là điều kiện tiên quyết khi tuyển dụng lao động.
Bản thân ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang đến cơ hội và thách thức không nhỏ đối với ngành giáo dục nói riêng. Nó sẽ đem lại kết quả vượt trội cho những trường nào sớm có ý thức và có những bước áp dụng mạnh mẽ dựa trên 3 đặc tính: kết nối, số hóa, tương tác dựa vào internet. Tại trường học hiện nay, tất cả các dữ liệu của sinh viên từ mã số, điểm số, thi cử... đều đã được số hóa tại một nơi lưu trữ. Trong nhiều trường hợp, giảng viên chỉ cần “vứt” tài liệu lên “mây” (Cloud), tất cả mọi người tranh luận trên “mây” mà vẫn đảm bảo được sự riêng tư, hiệu quả và tính đồng bộ. Điều này giúp tối ưu hóa mọi nguồn lực.
Trước nhu cầu bức thiết của xã hội, TS Trần Nam Dũng khẳng định các trường không thay đổi thì sẽ không có sinh viên. “Doanh nghiệp nói riêng và thị trường nói chung có nhu cầu như thế nào thì sinh viên sẽ càng hướng tới tìm học những nơi đáp ứng được nhu cầu đó. Như vậy nhu cầu thị trường cũng sẽ quyết định phần lớn xu hướng thay đổi của nhà trường. Nếu không thay đổi thì trường sẽ bị sinh viên tẩy chay và tất yếu sẽ bị loại khỏi cuộc chơi”, TS Trần Nam Dũng nói.
Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng cũng nhấn mạnh đến tính chủ động của các trường. Bản thân mỗi đơn vị sẽ phải tự rà soát, nghiên cứu và dần chuyển đổi mô hình hoạt động, phương thức giảng dạy phù hợp. Vì sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hoàn toàn khác với những cuộc cách mạng công nghệ trước đây. Hơn nữa, mọi việc đều thay đổi rất nhanh, những cái mới có khả năng hoàn toàn thay thế toàn bộ cái cũ. Thế nhưng, nhà nước cũng phải có cơ chế phù hợp, ủng hộ các mô hình hoạt động mới. Từ đó sẽ kích thích lĩnh vực giáo dục phát triển hơn và cả hệ thống sẽ vận hành suôn sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.