“Thời gian này ở Sài Gòn là vào mùa mưa, nên mỗi lần nhìn thấy trời bắt đầu xám, mình chỉ mong hãy đợi đến tối, hoặc ít ra là giờ nghỉ trưa hãy mưa để người dân bớt khổ. Vì khu vực ngoài sân là nơi người dân xếp hàng để chờ đọc tên vào đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin, nên mỗi lần trời mưa thì mọi người sẽ không có chỗ ngồi, mà tìm chỗ trú mưa thì sẽ tụ tập và không đảm bảo quy tắc 5K, như thế rất nguy hiểm”, Châu Chí Nhã, sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đội trưởng đội hình hỗ trợ tiêm vắc xin tại P.10, Q.6 chia sẻ.
|
Chàng trai đã kể lại với phóng viên Thanh Niên về những vui buồn trong suốt quá trình đồng hành cùng hỗ trợ chiến dịch tiêm vắc xin ở TP.HCM.
Hỗ trợ từ A đến Z
Vào cuối tháng 6, khi thành phố bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin cho nhóm đối tượng ưu tiên, nhà trường đã kêu gọi các sinh viên đang ở TPHCM tham gia hỗ trợ, mình đã tình nguyện đăng ký hỗ trợ ở Nhà thi đấu Phú Thọ. Lúc ấy do chưa được tiêm vắc xin, nên mình được phân công ở khu vực nhập dữ liệu vào hệ thống.
|
Khi TP.HCM bắt đầu đợt tiêm vắc xin cho toàn dân, khoa Y của trường được phân công hỗ trợ Q.5, 6 và 11, và lại 1 lần nữa mình hăng hái đăng ký tham gia để góp 1 phần nhỏ giúp thành phố chiến thắng dịch Covid-19. Khi ấy mình được nhận vào nhóm tiêm vắc xin ở P.10, Q.6 và được phân công là nhóm trưởng.
|
Mỗi ngày, từ 6 giờ 45 đến 7 giờ 15, các nhóm hỗ trợ sẽ đến trường để nhận đồ bảo hộ, phần ăn sáng và nước, trước khi đến điểm hỗ trợ tiêm vắc xin. Việc tiêm vắc xin thường bắt đầu vào lúc 8 giờ, công việc của tụi mình rất đa dạng như đo sinh hiệu sàng lọc (huyết áp, nhiệt độ, SpO2), tiêm vắc xin, điều phối sau tiêm, đo huyết áp sau tiêm và tư vấn dặn dò bệnh nhân…
Để công việc được thuận lợi cũng như đảm bảo quy tắc 5K đối với người dân, sinh viên tình nguyện tụi mình sẽ bàn bạc với các bác sĩ và lực lượng bên phường về kế hoạch tiêm và sơ đồ hướng dẫn.
Vào những buổi đầu, số lượng tiêm không nhiều, nhóm mình chỉ khoảng 5 - 6 bạn, nhưng càng về sau, do thấy người dân đi tiêm nhiều, mình đã huy động thêm nhiều tình nguyện viên hỗ trợ, điều phối để tránh tình trạng người dân tập trung.
|
Tuy nhiên cũng có những lúc có những thay đổi bất ngờ, mình cùng các bạn phải tuỳ tình huống sẽ linh động xử lý. Có thời điểm TP.HCM đang ưu tiên tiêm vắc xin cho những người trên 65 tuổi và bệnh nền. Khi đó có rất nhiều ông cụ, bà cụ lớn tuổi, đi đứng khó khăn, nên tụi mình phải linh động cho người thân đi cùng để dìu ông bà, đồng thời cũng giúp nhân viên y tế theo dõi kỹ hơn, thay vì người nhà sẽ không được vào khu vực này như những ngày khác.
Do là nhóm trưởng, ngoài công việc hỗ trợ như các bạn khác, mình còn là cầu nối giữa các anh chị bên phường, cũng như các bác sĩ với sinh viên tình nguyện. Khi có những khó khăn, hay những góp ý thì mình sẽ là người đại diện cho các bạn, liên hệ với bên phường để kịp thời hỗ trợ.
Người dân thắc mắc hỏi đi hỏi lại vẫn cặn kẽ giải đáp
Qua hơn 2 tháng tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin, dù mệt mỏi, khó nhăn nhưng mình biết cũng chẳng là bao so với các thầy cô, bác sĩ đang ngày đêm túc trực tại Bệnh viện dã chiến, Bệnh viện hồi sức để giành giật từng sự sống cho bệnh nhân. Nhưng, công việc hỗ trợ tiêm vắc xin này cũng để lại cho mình nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đó là những lúc thấy được nụ cười qua lớp khẩu trang của người dân, nhận được lời cảm ơn, thăm hỏi của mọi người, những điều nho nhỏ đó cũng đủ để xua tan đi cái nóng bức trong bộ đồ bảo hộ cồng kềnh, làm dịu đi sự mệt mỏi cho những tình nguyện viên như chúng mình.
|
Do tình hình dịch bệnh căng thẳng, và người dân cũng ít có thông tin về các loại vắc xin, tác dụng phụ và điều kiện sức khoẻ để được tiêm, nên lúc tụi mình khám sàng lọc có rất nhiều câu hỏi mà người dân đặt ra. Chẳng hạn như hôm nay tiêm vắc xin gì? Tôi bị bệnh tim, bệnh gan có được tiêm hay không? Tôi có thai hoặc đang cho con bú có được tiêm hay không? Có rất nhiều thắc mắc được đưa ra, và tụi mình luôn luôn sẵn lòng giải đáp cho người dân, và giải thích cặn kẽ nếu người dân vẫn chưa rõ. Nhiều người dân tâm lý còn lo lắng nhiều nên cứ hỏi đi hỏi lại là có được tiêm không hay tiêm vào có sao không.
Nhưng tụi mình đều giải đáp cặn kẽ để người dân hiểu, đôi khi tụi mình phải nói đi nói lại nhiều lần là do nói qua lớp khẩu trang nên tiếng nhỏ 1 chút làm người dân không nghe được, nên tụi mình phải ráng nói lớn hơn, hoặc nói lại vài lần.
|
Mình hỗ trợ tiêm vắc xin từ đầu chiến dịch tới giờ, không biết bao nhiêu ngàn người dân nhưng chỉ có 3 - 4 trường hợp là có dấu hiện sau tiêm. Nhưng chủ yếu trong 3 - 4 trường hợp này là chóng mặt và lý do là do người dân không ăn sáng hay ăn trưa trước khi đi tiêm, nên là lúc ngồi chờ họ bị đói, hoặc là người già họ đợi lâu nên hơi mệt một tý. Những trường hợp này, tuị mình có một phòng để cấp cứu, tụi mình sẽ đo sinh hiệu, khám lại nếu không thấy dấu hiệu sốc thì theo dõi họ thêm một tý hoặc đưa cho họ 1 viên kẹo ngậm hay ăn bánh uống sữa là họ sẽ khoẻ lại.
Tham gia nhiệm vụ hỗ trợ tiêm vắc xin, mình lo nhất là những ngày mưa. Mà thời gian này là mùa mưa của Sài Gòn, mỗi khi thấy trời bắt đầu xám, mình chỉ mong hãy đợi tới tối, hoặc ít ra là giờ nghỉ trưa hãy mưa để người dân bớt khổ. Vì khu vực ngoài sân là nơi người dân xếp hàng để chờ đọc tên vào đo huyết áp trước khi tiêm vắc xin, nên mỗi lần trời mưa thì mọi người sẽ không có chỗ ngồi, mà tìm chỗ trú mưa thì sẽ tụ tập và không đảm bảo quy tắc 5K, như thế rất nguy hiểm.
|
Hiện tại, ngoài công việc hỗ trợ tiêm vắc xin thì mình còn tham gia vào nhóm “đọc báo khoa học cùng bạn UMP”. Mục đích là để hỗ trợ các bác sĩ tuyến đầu chống dịch về các thắc mắc khi điều trị bệnh nhân Covid-19, bằng cách tổng hợp các bài báo, nghiên cứu về Covid-19, cũng như tạo một nơi để cho người dân có thể tìm hiểu thông tin về Covid-19 từ nguồn tin cậy nhất.
Tham gia hỗ trợ tiêm vắc xin, dẫu không tránh được những vất vả và cũng tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm, nhưng ngành y là một ngành học khó khăn và gian khổ. Chính những lúc này, đất nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang cần sự hỗ trợ của lực lượng y tế hơn bao giờ hết. Do đó, với trách nhiệm của một sinh viên y, mình và các bạn luôn sẵn sàng để tham gia vào công tác chống dịch, giúp đỡ đất nước chúng ta chiến thắng được dịch Covid-19.
Bình luận