Độc đáo robot thủy lực
Anh Nam kể nhiều năm đi làm thuê ở TP.HCM, chứng kiến cảnh công nhân chui sâu trong các ống cống thông rác cực nhọc và nguy hại, nên anh đã nung nấu ý tưởng chế tạo robot thông cống.
“Sau này, khi tích lũy được một ít vốn, tôi về Trà Vinh sinh sống và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo robot. Sau 1 năm mày mò nghiên cứu, tôi đã làm được máy hút đa năng và robot dùng để thông cống nhằm giúp các công nhân không phải trực tiếp làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm này”, anh Nam nói.
tin liên quan
Sinh viên sáng chế máy trị liệu teo cơĐam mê sáng chế cộng với mong muốn giúp ích cho cộng đồng, Phạm Nhật Tân, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cùng nhóm bạn đã nghiên cứu thành công thiết bị trị liệu dành cho trẻ bị teo cơ.
Anh Nam cho biết việc chế tạo máy hút đa năng để thông cống tương đối dễ nhưng chế robot để mang ống đi sâu trong đường cống nhỏ hẹp, dài hơn 50 m hút đất, cát là điều cực kỳ khó khăn. Cái khó đầu tiên đối với anh là chưa có kiến thức về robot, kế đến là thiếu phương tiện chế tạo. Để khắc phục, anh lên mạng internet tìm tài liệu nghiên cứu rồi đi mượn bạn bè máy cắt, máy hàn, máy tiện... về chế tạo. Lúc này, do chưa có kinh nghiệm nên vật liệu chế tạo bị hư hỏng rất nhiều. Mỗi lần hư hỏng là một lần anh rút ra thêm kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Cứ thế, qua nhiều lần thất bại, cuối cùng anh Nam đã chế tạo xong robot thông cống trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Theo anh Nam, ưu điểm nổi bật của robot do anh chế tạo là vận hành bằng thủy lực, không sử dụng điện nên an toàn cho người lao động khi hoạt động trong môi trường nước. “Con robot này làm việc bằng 6 - 7 lao động nhưng chỉ cần một người ngồi ở trên điều khiển. Khi máy bơm lên đầy bồn thì cho xe chở đi nơi khác đổ là xong ”, anh Nam nói.
Nhiều sáng chế có ích
Thời gian qua, ngoài việc sửa chữa cơ điện tại nhà, nhận rút hầm cống mưu sinh, anh Nam tiếp tục suy nghĩ và thực hiện nhiều sáng chế mới giúp ích cho cộng đồng. Đặc biệt năm 2014, thấy phong trào nuôi tôm sú ở địa phương phát triển mạnh, nhiều người sử dụng điện chạy máy sục khí tạo ô xy, nên anh Nam tiếp tục nghiên cứu rồi công bố với Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh thiết bị tiết kiệm điện dùng trong nuôi tôm.
Thiết bị này hoạt động khá đơn giản khi được anh thay đổi các nhông trong hộp vận tốc bằng động cơ đẩy dầu (gọi là mô tơ dầu). “Khi chuyển đổi thiết bị không xài nhông nên lực ma sát không còn, nhờ vậy tiết kiệm được điện”, anh Nam nói. Sau đó, sản phẩm của anh đã được Sở KH-CN tỉnh Trà Vinh kiểm định và kết luận tiết kiệm khoảng 50% lượng điện tiêu thụ so với các thiết bị cũ. Hiện anh Nam đã bán hơn 100 thiết bị cho người nuôi tôm với giá 5,7 triệu đồng/thiết bị.
tin liên quan
Sinh viên sáng chế thiết bị giúp trẻ em không bị đuối nướcChỉ một thiết bị nhỏ gắn lên người cùng bộ quản lý từ xa, Mã Minh Khoa và Nguyễn Ngọc Tài, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, đã tạo ra bộ thiết bị giúp phòng chống đuối nước trẻ em.
Bên cạnh thiết bị tiết kiệm điện, máy nhổ cây thuốc cá do anh sáng chế cũng rất hữu ích cho người nuôi tôm. Theo anh Nam, người nuôi thường sử dụng rễ cây thuốc cá để tiêu diệt những loài thủy sinh gây hại trong ao. Tuy nhiên, với những cây thuốc cá trồng lâu năm, việc thu hoạch thủ công thường hao hụt nhiều do rễ ăn sâu vào lòng đất dễ bị đứt và chiếc máy của anh Nam đã khắc phục được nhược điểm trên. Theo đó, chiếc máy sử dụng dây kéo nối với ròng rọc để nâng thân và rễ cây lên khỏi mặt đất theo chiều thẳng đứng nên tỷ lệ đứt rễ chỉ khoảng 2 - 3%, trong khi nhổ thủ công tỷ lệ rễ bị đứt lên đến từ 10 - 20% và đặc biệt là tiết kiệm công lao động.
Hiện nay, những sáng chế thành công đang được anh Nam đăng ký quyền sở hữu công nghiệp, đồng thời hoàn thiện để bán ra thị trường, phục vụ người dân. Bên cạnh đó, anh tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện ngôi nhà thông minh được xây dựng bằng vật liệu nhẹ trên nền đất yếu và các thiết bị sử dụng nguồn năng lượng gió để tích điện dùng trong sinh hoạt trong gia đình, thu gom và tích trữ nước qua sinh hoạt để tái sử dụng… Những sáng chế này khi hoàn thiện hứa hẹn sẽ rất hữu dụng đối với người dân vùng sâu, vùng biên giới hải đảo.
Bình luận (0)