Chợ thương mại điện tử của sinh viên

19/09/2018 08:25 GMT+7

Hiểu được những vấn đề mà sinh viên đang gặp phải trong cuộc sống, nhóm bạn trẻ đến từ Trường ĐH Bách khoa (TP.HCM) đã xây dựng nên chợ thương mại điện tử nhằm đáp ứng các nhu cầu của sinh viên như: ăn uống, mua sắm, học hành... với giá cả hợp lý và an toàn nhất.

Sinh viên gỡ rối cho sinh viên
Học đại cương thì mua sách gì? Dụng cụ thực hành này bán ở đâu? Trưa học xong ăn hay đặt cơm như thế nào cho tiết kiệm thời gian để chiều còn học tiếp? Lịch học kỳ này trống nhiều, kiếm việc làm thêm ở đâu lương ổn mà an toàn nhỉ?... Để trả lời những câu hỏi này, thường thì ta có thể hỏi bạn bè, người quen hoặc tìm kiếm các nguồn thông tin trên mạng. Nhưng sự thật sẽ có bao nhiêu phần trăm thông tin nhận lại đáng tin và chính xác? Chi phí, giá cả liệu có phù hợp với túi tiền sinh viên (SV)?

Đấy là những lời chào mời gần gũi của dự án chợ điện tử LangF.vn do nhóm SV Trường ĐH Bách khoa TP.HCM gồm Nguyễn Danh Thành, Phạm Thị Ngọc Ngân, Vũ Nguyên (cùng Khoa Môi trường) và Nguyễn Phi Ánh (Khoa Máy tính) sáng lập.
Với sự gần gũi, thân thiện và đáp ứng được những nhu cầu thực tiễn của SV, dự án của nhóm đã xuất sắc giành ngôi quán quân cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức.
“Từ những vấn đề mà tụi mình thường gặp về nhu cầu ăn uống, học tập cho đến các vấn đề mang tính tiêu cực hằng ngày như: thực phẩm bẩn, lừa đảo, đa cấp..., nhìn chung SV đang thiếu một nguồn thông tin sát sườn. Chính vì thế dự án của tụi mình ra đời, vì tụi mình nghĩ chỉ có SV mới gỡ rối được cho SV”, Thành, trưởng nhóm, lý giải.
Theo Thành, LangF là cách viết theo dạng telex của chữ “làng”, tức là làng đại học (Q.Thủ Đức, TP.HCM). Với nền tảng là một website thương mại điện tử, LangF.vn không chỉ là trung gian mà còn đóng vai trò cung cấp, hỗ trợ vận chuyển sản phẩm, dịch vụ, bên cạnh đó là những chính sách đặc biệt để đảm bảo quyền lợi người sử dụng.
Vừa đáp ứng nhu cầu, vừa tạo việc làm cho SV
Hiện tại, để xây dựng được một nguồn cung vừa đảm bảo an toàn, vừa đáp ứng được giá cả hợp túi tiền SV, đội ngũ của dự án phải bắt đầu với việc chọn những quán lớn và uy tín nhằm có những cam kết về chất lượng. Bên cạnh đó, nhóm nhắm đến các nguồn cung cấp được chính người sử dụng đề cử, đánh giá cao song song với việc xác nhận chất lượng từ đội ngũ của nhóm.
“Có được điều này là do sự tương tác liên tục giữa LangF.vn với người sử dụng thông qua các khảo sát, biểu mẫu đóng góp ý kiến ngay từ khi dự án chưa chính thức hoạt động. Cũng chính vì dự án gần gũi với SV nên nhóm nhận được những ý kiến đóng góp nhiệt tình của cộng đồng SV”, Thành chia sẻ.
Riêng về mảng ăn uống, nhóm đang phát triển thêm mô hình cơm nhà (cơm mẹ nấu), với mô hình này thì nguồn nấu sẽ phải lấy nguyên liệu thực phẩm tại các siêu thị cũng như cửa hàng đảm bảo chất lượng và có nguồn gốc xuất xứ.
Cũng theo Thành, mô hình của LangF.vn kết nối người mua, người bán và nguồn lao động nhàn rỗi tại khu vực, hướng đến việc tận dụng tối đa đặc điểm, nguồn tài nguyên có sẵn từ cộng đồng người sử dụng (chủ yếu là SV) cũng như loại bỏ các công đoạn không cần thiết để có thể đưa sản phẩm, dịch vụ đến tay khách hàng với chi phí và giá cả thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, dự án tạo điều kiện tối đa để mọi người sử dụng mô hình đều có cơ hội kiếm thêm thu nhập, tùy thuộc vào khả năng của họ.
Hiện tại, nhóm vẫn đang ưu tiên việc hợp tác cũng như tìm các nguồn hàng, người bán đến từ chính cộng đồng SV. Về đội ngũ giao hàng vẫn sử dụng chủ yếu là SV (bán thời gian thuê theo buổi) và có đội giao hàng riêng phòng trường hợp thiếu người.
Ngoài ra, nhóm đang xây dựng một hệ thống xác minh người sử dụng riêng biệt, bằng cách liên kết đến các trường, đơn vị giáo dục nhằm có những chính sách bảo vệ quyền lợi người sử dụng một cách tối đa.
Ý kiến
“Mình rất thích dịch vụ này, hy vọng các bạn sẽ tiếp tục làm tốt đồng thời dịch vụ có thể liên kết nhiều quán ăn hơn, và không chỉ cơm bởi trong làng đại học còn rất nhiều những thứ khác…”, Nguyễn Thị Quỳnh Anh (SV Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)
“Mình ủng hộ nhiệt tình mô hình này, mình cũng đã đặt cơm và tìm kiếm các dịch vụ sửa chữa đồ điện tử trên này. Nếu tương lai các bạn phát triển được nhiều dịch vụ hơn nữa thì mình nghĩ đây là cái chợ đặc biệt nhất của SV từ trước đến giờ”, Hồ Nguyễn Minh Thông (SV Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.