Nghĩ học giỏi, ngoan là đủ!
Trên trang Facebook cá nhân, chị Phước Huyền (Đà Nẵng) đã chia sẻ bài viết về câu chuyện kỳ tích của đội bóng thiếu niên Thái Lan này với dòng trạng thái: “Niềm vui vỡ òa. Kỹ năng sinh tồn của các cháu thật tuyệt vời. Những bài học dã ngoại học tập kinh nghiệm rất bổ ích cho trẻ nhỏ hiện nay”.
|
Chị Phước Huyền chia sẻ: “Mình cũng có đứa con 11 tuổi. Chồng rất cưng chiều đến nỗi giờ mỗi lần đi đá bóng với bạn thì chồng cũng phụ mang tất và giày giúp, mỗi lần như thế mình đều la. Mình thấy trẻ em ở VN giờ như gà công nghiệp khó tự lo cho bản thân vì bố mẹ đã lo hoàn toàn. Hầu như bố mẹ chỉ lo mỗi việc con học cho thật giỏi, ngoan vâng lời bố mẹ là đủ rồi. Nhưng nếu chung cư bị hỏa hoạn khi vắng bố mẹ thì các con phải tự làm gì? Hoặc khi ra đường bị lạc hay gặp phải kẻ xấu dụ dỗ thì phải làm sao?”, chị Huyền trăn trở.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt (Q.3, TP.HCM), nói: “Thật sự giật mình vì tự dưng nghĩ nếu đặt con mình vào trường hợp đó thì con có thể sống sót được không. Vì từ trước giờ, lúc nào cũng lo lắng cho con, nhiều khi con xin tham gia các khóa dã ngoại mình cũng lo sợ và không cho con đi”.
tin liên quan
Không nên tách rời giáo dục kỹ năng sống với giá trị sốngNói rồi chị Linh thở dài: “Ngày xưa sao mình dang nắng dầm sương được, nhưng giờ cứ hễ cho con ra với thế giới bên ngoài hay xa mình một tí là đã có cảm giác bất an”.
Hãy “đẩy” con ra thế giới bên ngoài
Là người chuyên tổ chức các khóa dã ngoại, dạy kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho trẻ, anh Nguyễn Đăng Phúc, Giám đốc Trung tâm sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM, cho rằng hiện nay phụ huynh có quan tâm đến việc dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ nhiều hơn nhưng số lượng này chưa chiếm đa số, bởi nhiều phụ huynh vẫn còn rất e ngại và lo sợ.
“Số đông phụ huynh vẫn rất nặng nề về việc cho con ra với thế giới bên ngoài. Nhưng nếu như vậy trẻ không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sau này sẽ thiếu những kiến thức về môi trường để khi gặp phải có thể ứng phó được”, anh Phúc nhìn nhận.
Cũng theo anh Phúc, nhiều phụ huynh nhìn thấy các hoạt động huấn luyện thì e ngại, sợ con không tiếp thu được hoặc sẽ gây ra rủi ro lớn hơn cho con. Nhưng phụ huynh lại không ý thức được là những “rủi ro” này sẽ tạo cho con những trải nghiệm và kỹ năng, cũng như ý thức được khi gặp sự cố.
Anh Phúc cho rằng đầu tiên cần dạy cho trẻ giữ được bình tĩnh, sau đó mới huấn luyện những giải pháp trong từng trường hợp cụ thể. Việc giữ được bình tĩnh rất quan trọng vì nếu la ó hay hoảng sợ thì chỉ làm bản thân thêm đuối sức. Mà sức khỏe lại rất quan trọng để giúp các em chống cự qua những ngày gặp nạn. Đối với một đứa trẻ, việc giữ bình tĩnh là rất khó, vì thế phải cho bé tiếp xúc và trải nghiệm nhiều để bé quen dần. Không những thế, việc dạy những kỹ năng cơ bản sẽ giúp bé tự tin hơn.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Dũng, giảng viên Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương, nhận xét: “Cha mẹ e dè thế giới bên ngoài, không dám tin tưởng thả con mình ra mà ngay chính trong gia đình, cha mẹ cũng không dám thả con ra, cho con tự lập, tự làm những việc nhà thì làm sao con sau này ra đời có được những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân”.
Ông Dũng khuyên hãy cho con tham gia làm việc nhà trước rồi đến việc ngoài xã hội. Ví dụ những đứa trẻ phụ mẹ nấu cơm, lặt rau, quét nhà… thì trong quá trình đó sẽ có những rủi ro xảy ra (dù nhỏ) nhưng con sẽ được giao tiếp với mẹ và học được kỹ năng cần thiết có thể vận dụng vào cuộc sống nếu gặp phải những trường hợp tương tự.
“Hãy cho con sống chung với những “rủi ro”, cùng tham gia vào từng công việc nhỏ trong nhà. Từ những kỹ năng trong gia đình, chúng ta và cả con cái cũng sẽ tự tin hơn khi con bước ra thế giới bên ngoài. Đấy chính là liều kháng thể tốt nhất cho con đón nhận những điều bao la từ thế giới ngoài kia”, ông Dũng nhìn nhận.
Những kỹ năng cần biết
Theo anh Nguyễn Đặng Hoàng Khương, huấn luyện viên kỹ năng cấp 1 quốc gia (Hội LHTN VN), kỹ năng sinh tồn là cực kỳ quan trọng mà mỗi người cần phải biết để có thể tự xoay xở khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Chẳng hạn, khi bị lạc trong rừng, điều đầu tiên là không được hoảng loạn mà phải thật bình tĩnh, tự trấn an bản thân và luôn nghĩ mọi chuyện rồi cũng sẽ qua. Kế đến là xác định vị trí nơi mình bị lạc thông qua các dấu vết, dùng các cách để xác định phương hướng như: la bàn (nếu có), bóng nắng mặt trời, thân cây, tìm vị trí cao để quan sát hướng...
“Nếu bạn nghĩ mình sẽ bị lạc lâu ngày trong rừng thì phải tìm ngay chỗ trú ẩn, có thể là hang động hoặc tự dựng một lán trại từ cây cối xung quanh rồi đi tìm nguồn nước. Tiếp theo là dùng đá đánh ma sát vào nhau tạo lửa để sưởi ấm, bảo vệ bản thân tránh thú dữ và côn trùng xung quanh gây hại da. Trong trường hợp cực chẳng đã buộc phải ăn cả rắn, chuột, côn trùng có thể ăn được để chống lại cơn đói. Tuyệt đối không được thử lá cây và củ rừng khi mình không biết vì nguy cơ chứa độc tố cao”, anh Khương khuyên.
Còn anh Nguyễn Minh Khánh, Giám đốc Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam (T.Ư Đoàn), nói: “Phải biết giữ sức, tiết kiệm nước bằng cách không uống nước nhiều khi chưa tìm ra nguồn nước. Cố gắng tìm một dòng suối, bởi các dòng suối luôn chảy xuống dốc và sẽ dẫn tới một nhánh lớn hoặc một dòng sông, khi ấy sẽ gặp được người để cứu bạn”.
Lê Thanh
|
Bình luận (0)