Chuyện làm ăn từ... hai sọt

21/10/2020 08:39 GMT+7

Việc đầu tiên, Phượng học cách vận chuyển dược liệu của những người bán hàng rong bằng 'hai sọt' (buộc hai chiếc sọt hai bên xe máy để vận chuyển), đưa sâm dây về nhà rửa sạch, phơi khô và bán cho những khách hàng quen biết.

Đó là Trịnh Thị Phượng (32 tuổi), ngụ thôn 14B, xã Đăk Pek, H.Đăk Glei, Kon Tum. Phượng tốt nghiệp ngành kế toán - tài chính, Trường ĐH Nha Trang. Lúc chưa tìm được việc làm, Phượng đến các bản làng vùng sâu, vùng xa để làm thuê kiếm sống. Đến các xã Ngọc Linh, Mường Hoong (H.Đăk Glei, Kon Tum), chứng kiến cảnh người dân trồng rất nhiều sâm dây, nhưng để tiêu thụ sản phẩm dược liệu này, bà con phải gùi từng bó đi lang thang bán dạo, chị đã nghĩ đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con dân tộc thiểu số nơi đây. Nghĩ là làm, chị bắt đầu thu mua sâm dây và các loại dược liệu khác mang về nhà bán kiếm lời.
Việc đầu tiên, Phượng học cách vận chuyển dược liệu của những người bán hàng rong bằng “hai sọt” (buộc hai chiếc sọt hai bên xe máy để vận chuyển), đưa sâm dây về nhà rửa sạch, phơi khô và bán cho những khách hàng quen biết.
Được bạn bè biết đến và giới thiệu rộng rãi, số lượng hàng Phượng bán ra thị trường ngày một nhiều hơn. Bên cạnh đó, thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube..., Phượng kết nối bạn bè để giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường.
Cùng với sâm dây, thời điểm tháng 7 - 9 hằng năm, khi mùa mưa đến, măng rừng mọc rộ, bà con người bản địa lại đi lấy măng rừng bán dạo, Phượng cũng thu gom đem về bán cho khách hàng. Cũng nhờ tiêu thụ với số lượng lớn, rất nhiều bà con người bản địa ở các xã Ngọc Linh, Mường Hoong đã trực tiếp mang sâm dây và măng rừng đến nhà bán cho Phượng.
Sau một thời gian vừa buôn bán, vừa mở rộng thị trường và tìm hiểu về sâm dây, biết được sản phẩm này là một loại dược liệu quý, nhiều người tìm kiếm, Phượng đã quyết định đến các huyện lân cận như Ngọc Hồi, Đăk Tô (Kon Tum), đến các hộ buôn bán nhỏ lẻ quen biết để giới thiệu sản phẩm, tìm đầu ra cho sâm dây.
Thời gian đầu, lượng sâm dây bán ra chỉ là sâm tươi. Sau khi mở rộng thị trường ra các huyện, số lượng thu mua của bà con dân tộc thiểu số đã nhiều hơn, Phượng tiến hành sơ chế, đóng gói, đăng ký kinh doanhan toàn vệ sinh thực phẩm để tiêu thụ quanh năm và dự trữ bán vào dịp tết.
Tại hội nghị công bố, trao giấy chứng nhận và kết nối tiêu thụ sản phẩm tỉnh Kon Tum diễn ra ngày 9.10 vừa qua, 2 sản phẩm của Phượng đạt hạng 3 sao cấp tỉnh là “Sâm dây Ngọc Linh TP” và “Măng khô”. Theo Phượng, để có được kết quả như hôm nay là cả một quá trình vượt khó của người phụ nữ một nách 3 con nhỏ.
Từ cô gái “hai sọt” đến chủ thể của 2 sản phẩm đạt hạng “3 sao” cấp tỉnh, Phượng là một phụ nữ trẻ vượt khó và thành công trong khởi nghiệp ở vùng cực bắc Tây nguyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.