Bán vé số dạo từ năm học lớp 2
Là người con sinh ra tại tỉnh Quảng Bình, năm 1 tuổi, Phan Thị Thảo đã theo ba mẹ vào TP.HCM sinh sống. Thảo tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chuyên ngành Ngữ văn Anh. Thảo từng công tác ở các trường học, trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM.
Ngay từ nhỏ, Thảo lớn lên với hoàn cảnh nghèo khó, tha phương cầu thực cùng gia đình. Mỗi buổi tối sau giờ học, để có tiền phụ giúp ba mẹ trang trải cuộc sống ở thành phố, Thảo bắt đầu bằng việc đi bán vé số dạo từ năm học lớp 2. Công việc bán vé số vô cùng vất vả, có những lúc Thảo muốn bỏ học để đi làm công nhân kiếm tiền nhiều hơn. Nhưng nhờ cộng đồng giúp đỡ mỗi người một ít, có khi là học phí, khi là trợ cấp sinh hoạt, khi là bộ áo dài, sách vở..., Thảo mới có thể hoàn thành giấc mơ tới trường.
|
Từ những gì đã trải qua, cô gái nhỏ năm nào thấm thía vai trò của giáo dục có thể thay đổi cuộc đời một con người. Khi ra trường, Thảo quyết định chọn nghề giáo cũng để thay đổi cuộc đời mình. Ngày ngày làm việc trong môi trường giáo dục chuyên nghiệp, đạt mức lương mà nhiều người mong ước, tưởng như đó là thành công và cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn nhưng Thảo lại có quyết định bất ngờ.
“Vùng quê rất yên bình, mây vờn đỉnh núi, mùa lúa chín cực kỳ đẹp và nên thơ. Con đường đến trường của tôi phải băng qua hai cánh đồng và một cây cầu, bình thường đi rất thích nhưng đến mùa lũ thì rất nguy hiểm” |
Năm 2017, Thảo biết đến chương trình Teach For Vietnam, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận với sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực địa phương thông qua giáo dục phổ thông, đặc biệt là những vùng còn nhiều khó khăn như Quảng Nam. Đến năm 2019, Thảo mới quyết định bỏ việc ở TP.HCM đến miền Trung để dạy học cho trẻ em nghèo. Nơi công tác của Thảo là Trường THCS Phan Bội Châu, thuộc xã Đại Cường, H.Đại Lộc (Quảng Nam), được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam.
|
Thảo đến Quảng Nam ở nhờ trong nhà một người dân. Ngoài giờ lên lớp, Thảo cũng vác cuốc ra đồng làm cỏ, trồng rau. “Vùng quê rất yên bình, mây vờn đỉnh núi, mùa lúa chín cực kỳ đẹp và nên thơ. Con đường đến trường của tôi phải băng qua hai cánh đồng và một cây cầu ở giữa, bình thường đi rất thích nhưng đến mùa lũ thì rất nguy hiểm”, Thảo chia sẻ.
Hiểu hơn nỗi khổ của người dân miền Trung
Là một người sống ở miền Nam, Thảo chỉ hình dung dãy đất cằn cỗi khó khăn ở miền Trung qua lời kể của ba mẹ. Đến khi thực sự trải nghiệm, Thảo mới thấu được nỗi khổ của người dân nơi đây.
“Tôi đã mừng muốn khóc khi từ nơi sơ tán lũ trở về nhà. Vẫn còn thấy nóc nhà trơ trọi khi tôi đi thăm một trường tiểu học. Đứng từ bên trong có thể thấy lồng lộng trời xanh trên đầu vì chẳng còn tấm tôn nào nữa. Học sinh phải đi học nhờ ở các nhà sinh hoạt trong thôn, điều kiện thiếu thốn, thậm chí có nơi sau một tuần rồi vẫn chưa có điện”, Thảo kể lại.
Thảo ở ngay rốn lũ Quảng Nam, một tháng qua, bão lũ thay phiên gây ảnh hưởng đời sống người dân nơi đây. Với một cô gái chưa từng trải qua lũ lụt cũng đã bắt đầu quen với việc chạy lũ ở miền Trung.
Nhiều lúc Thảo gọi điện về nhà, ba mẹ Thảo cười bảo: “Giờ đã biết cảnh sống chung với lũ chưa”. Nói vậy thôi, thực ra cả nhà Thảo cũng lo lắng khi nghe tin tức về sạt lở, cũng muốn con gái mình mau chóng hoàn thành nhiệm vụ rồi quay về. “Điệp khúc về nhà đi con, tôi vẫn thường nghe trong mỗi cuộc gọi về nhà”, Thảo nói.
|
Thảo cho biết học sinh năm nay đã nghỉ học nhiều vì Covid-19, lại đến bão lũ nên mất tiết học liên tục. Có lúc Thảo chuyển phương án dạy trực tuyến cũng rất khó khăn vì khả tiếp cận với thiết bị và công nghệ thông tin của các em học sinh chưa cao, kèm theo đó là các sự cố mất điện, mất internet liên tục. Có khi đang dạy học, Thảo nghe học trò bảo: “Cô ơi nước vô chuồng gà rồi, em phải chạy…”.
May mắn là chương trình tiếng Anh của Thảo là chương trình ngoại khóa nên đỡ phần nào. Thảo chỉ cố gắng ôn lại bài cũ cho học sinh đỡ quên kiến thức.
Vài ngày gần đây, Thảo tranh thủ thăm một số trường tiểu học ở xã Quế An, H.Quế Sơn. Có một điểm trường bay sạch nóc, chỉ có 6 phòng học. Các em học sinh đi học nhờ ở nhà sinh hoạt thôn. Thầy cô có 5 phút chuyển tiết để chạy quanh 3 điểm trường cách nhau từ 5-6 cây số, cực kỳ vất vả.
Bình luận (0)