Câu chuyện nên hay không nên, đồng tình hay phản đối chuyện con kiếm tiền từ nhỏ nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau của các phụ huynh.
Anh Nguyễn Hải Hưng, 35 tuổi, sống ở Quảng Ninh, có hai con trai 4 tuổi và 1 tuổi, cho biết anh sẽ dạy con sớm biết cách kiếm tiền.
“Tôi từng làm ra đồng tiền đầu tiên từ năm 6 tuổi, nhờ cách kêu gọi mọi người trong vùng đến thu mua ngan vịt của một bà cụ. Người đến mua, ngày đó đã trả công cho tôi khoảng 30.000 đồng. 11 tuổi tôi đi bán bánh mì buổi sáng, bán kem dạo buổi trưa, lên trung học tôi cũng có nhiều nghề lặt vặt khác để kiếm tiền đóng học phí. Tôi thấy tôi trưởng thành sớm hơn khi biết cách kiếm được đồng tiền”, anh Hưng lý giải.
Nhiều cha mẹ động viên con tự lập tài chính sớm
|
Chị Nguyễn Thị Phúc, 47 tuổi, Việt kiều sống tại Thuỵ Điển, mẹ của cậu con trai 15 tuổi và con gái 10 tuổi cho biết, chị sẽ khuyến khích con biết cách sớm kiếm được tiền.
“Tôi không quan niệm đó là kiếm tiền nhiều hay ít, mà là rèn kỹ năng sống. Có như vậy con sớm tự lập và quý trọng tiền mình kiếm được. Tại đất nước tôi đang sống, trẻ 14-15 tuổi đã được nhà trường tạo điều kiện để đi làm thêm. Nhà trường không chỉ dạy kiến thức mà còn chú trọng dạy kỹ năng cho học sinh”, chị Phúc nói.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh cho rằng, sẽ không tốt nếu để con sớm tiếp xúc với tiền.
Học là quan trọng nhất
Anh Trương Tuấn Ngọc, 41 tuổi, trú ở đường Phạm Thế Hiển, Q.8, TP.HCM kể lại câu chuyện của chính gia đình mình: “Từ nhỏ tôi đã tự lập. Tôi có nhiều sách, bạn bè hay ghé lại mượn, tôi nghĩ cách có thể kiếm được tiền. 11 tuổi, tôi mang số sách, truyện mình có được ra chợ, ai mượn tôi ghi tên trong sổ, dĩ nhiên phải đặt cọc. Tôi kiếm được không ít tiền với cách làm ấy.
Con gái tôi bây giờ 13 tuổi cũng học theo tôi. Tháng trước, tôi bất ngờ phát hiện ra cháu cho bạn mượn truyện để lấy tiền, rồi bán đồ chơi cho bạn, tôi yêu cầu cháu dừng lại ngay. Chúng tôi chưa để con phải thiếu thốn gì, tôi không đồng ý việc con phải lăn lộn, kiếm tiền sớm, bây giờ việc học là quan trọng nhất”.
tin liên quan
Công việc đầu tiên bạn kiếm ra tiền là gì?Có bạn kiếm được số tiền đầu tiên từ việc phục vụ bàn, dạy thêm, nhưng cũng không ít bạn trẻ phải đi mò cua, bắt ốc, chăn bò thuê,…
Anh Ngọc lý giải lý do từ chối cho con kiếm tiền sớm, giống như anh từng làm trong quá khứ: “Mỗi thời mỗi khác. Bây giờ, chỉ tính riêng chuyện cháu đạp xe đi giao đồ cho bạn cũng bao nguy cơ tai nạn giao thông, rồi thời gian đâu để học?”.
Cũng có một cô con gái, 9 tuổi, thích đọc truyện và số truyện có được không nhỏ, song, chị N., một phụ huynh tại Hà Nội cũng đồng quan điểm với anh Ngọc. Chị không chấp nhận để con kiếm tiền từ khi còn nhỏ.
Chị N. nhấn mạnh: “Tôi mua truyện tranh cho con gái là để cháu đọc, tôi khuyến khích con chia sẻ truyện với các bạn, chứ không khuyến khích con cho các bạn thuê lấy tiền.
|
Chị N. nói cụ thể hơn: “Con tôi trao đổi truyện với các bạn trên lớp, tôi không cấm. Nhưng nếu cháu cho thuê truyện tranh để lấy tiền thì tôi không khuyến khích. Vì quan niệm mua sách về để mình dùng và để chia sẻ, chứ không dùng để kiếm tiền. Dạy trẻ tiêu pha, kiếm tiền là một việc rất quan trọng nhưng cũng rất khó, vì nếu dạy không cẩn thận, trẻ sẽ quan tâm đến tiền quá sớm sẽ không tốt.
Có lần con nói với tôi, con cho các bạn thuê truyện lấy tiền được không, tôi nói luôn, con nên cho các bạn mượn, khi nào các bạn có truyện các bạn sẽ cho con mượn. Các con có thể chia nhau ra mua các bộ truyện rồi trao đổi cho nhau, như thế các con sẽ được đọc nhiều hơn”.
"Cảm giác tôi chưa hoàn thành nghĩa vụ khi con phải đi kiếm tiền sớm"
Anh Nguyễn Việt Hùng, 34 tuổi, đã lập gia đình và có 2 con trai, đang sống ở Đà Nẵng khẳng định, sẽ không cổ vũ cho con biết cách kiếm tiền khi chúng nhỏ. Vì: “Để con kiếm tiền sớm, tôi có cảm giác mình chưa hoàn thành nghĩa vụ của 1 người cha với chúng. Hơn nữa dễ tạo cho trẻ suy nghĩ chúng có thể tự làm ra tiền, tự tiêu xài theo nhu cầu cá nhân”
Anh Hùng nói thêm: “Tôi muốn các cháu được vui chơi, học hành, phát triển tư duy, thể chất theo đúng lứa tuổi của chúng. Không ủng hộ con kiếm tiền, nhưng tôi sẽ cố gắng dạy chúng biết quý trọng và sử dụng đồng tiền tiết kiệm, đúng mục đích”.
Tuy nhiên, theo anh Hùng, khi hai con trai học cấp 3, đã tương đối trưởng thành, nếu chúng thích, có thể anh khuyến khích các cháu tập kinh doanh, bán hàng, dạy kèm, làm thêm... ở mức độ phù hợp để bồi dưỡng kỹ năng sống, quan hệ, giao tiếp, biết quý trọng sức lao động, tiền bạc”.
Bình luận (0)