Trong những ngày qua, mạng xã hội xuất hiện trào lưu chia sẻ hình ảnh các ông chồng vào bếp rửa chén cho vợ. Sau khi vợ chồng tỉ phú người Mĩ Bill Gates tuyên bố ly hôn sau 27 năm chung sống, nhiều người tiếp tục chia sẻ các dòng trạng thái trên mạng xã hội, thảo luận về trách nhiệm của đàn ông với gia đình, nhắc đến chuyện ông Gates duy trì thói quen rửa chén tại nhà.
"Vợ đâu phải là Osin"
Trần Phương Thành (33 tuổi, nhân viên ngân hàng làm việc tại Q.5, TP.HCM) cho rằng anh thường xuyên làm việc nhà như rửa chén, lau nhà và giặt đồ.
"Sau này cưới vợ, tôi sẽ rửa chén, dọn dẹp, lau nhà giúp vợ mình. Tôi không biết nấu những món ăn ngon nên chắc chắn sẽ xung phong rửa chén”, anh Thành nói khi nhắc đến việc ông Gates dù là người giàu có, thành đạt nhưng vẫn vào bếp rửa chén.
Anh Thành nói thêm: “Đàn ông biết kiếm tiền là giỏi nhưng cũng phải biết lo cho vợ từ những việc nhỏ nhặt nhất thì mới xuất sắc và thành công".
Còn Nguyễn Phước Huy (31 tuổi, chuyên viên IT tại Khu công nghệ cao TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng đàn ông bất kể là tỉ phú hay người thành đạt thì việc rửa chén không thể mất đi khí chất hay thể diện của họ. Theo anh Huy, chuyện đàn ông rửa chén cho vợ là hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, cũng có một số người bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc đàn ông rửa chén.
Anh Nguyễn Duy Ngọc ở quận Tân Bình, TP.HCM cho rằng đàn ông phải là người mạnh mẽ, ra ngoài làm việc kiếm tiền, là trụ cột gia đình, do đó người vợ nên thông cảm nếu chồng quá mệt mỏi và không thể giúp đỡ làm việc nhà.
Đàn ông thành đạt rửa chén là đáng trân trọng
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng câu chuyện đàn ông rửa chén cho vợ có thể xuất phát từ mong muốn chia sẻ việc nhà với vợ. "Xã hội phát triển, dân trí được nâng cao và truyền thông về hình mẫu đàn ông thời đại mới giúp vợ việc nhà ít nhiều được hưởng ứng và lan toả. Đây cũng có thể được xem là kết quả của hành trình dài đấu tranh vì bình đẳng giới trong nhiều năm qua", ông An nhận xét.
Đối với thạc sĩ An, việc những người đàn ông thành đạt, giàu có thích rửa chén không có gì là quá bất ngờ. Tuy nhiên, tỷ lệ nam giới ở Việt Nam rửa chén giúp vợ xưa nay vốn rất hiếm, có thể là “tàn dư” thời phong kiến cùng nét văn hoá truyền miệng xưa nay về “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, theo ông An.
|
“Nhìn chung, trong thời đại văn minh và định kiến giới ngày càng rút ngắn, hình ảnh người đàn ông rửa chén hay làm việc nhà sẽ xoá nhòa “giai cấp” trong gia đình. Đàn ông giàu có và thành đạt rửa chén lại là điều đáng trân trọng, giúp lan toả thông điệp tích cực để đại chúng hiểu rằng việc nhà là trách nhiệm của mỗi người, không chỉ riêng người phụ nữ”, ông An nói.
Thạc sĩ An kết luận: "Việc rửa chén sẽ không làm mất đi khí chất vốn có của phái mạnh, ngược lại còn toát lên vẻ đẹp của đấng mày râu trong mắt vợ con, giúp giữ lửa cuộc hôn nhân".
Bình luận (0)