Để “xe đạp ơi”... quay đều

Thúy Hằng
Thúy Hằng
05/05/2019 07:20 GMT+7

Giữa biển người di chuyển trên đường phố TP.HCM, mỗi ngày bóng dáng người trẻ đi lại bằng xe đạp một thưa vắng hơn. Làm cách nào để khuyến khích các bạn trẻ đi xe đạp?

Trong một báo cáo của JICA Study Team về tỷ lệ sử dụng phương tiện trong chuyến đi hằng ngày ở TP.HCM, số người đi xe máy từ năm 2002 - 2013 tăng 3,3%, đi ô tô tăng 12,6%, trong khi đi xe đạp giảm 6,8% (năm 2002 là 9,4% và năm 2013 chỉ còn 2,8%).

Người đi xe đạp bị “bắt nạt” ?

Jesse Peterson, chàng trai quốc tịch Canada đã ở VN 8 năm, trong đó phần lớn sống ở TP.HCM, thích đi lại từ nhà ở Q.7 tới cơ quan ở Q.Phú Nhuận hoặc cà phê, dạo phố bằng xe đạp nhiều hơn các phương tiện khác. Có đợt, Jesse Peterson “đắp chiếu” chiếc xe máy ở nhà rất lâu. Anh thốt lên: “Đi xe đạp thú vị, vừa tập thể dục, sống chậm hơn, có nhiều thời gian để suy nghĩ về cuộc sống, kế hoạch, gia đình, công việc. Nhưng đi xe đạp, nhiều lúc bị xe máy, ô tô “bắt nạt” như lấn đường, ép đường, tạt đầu rất sợ”.
Nguyễn Đức Hùng (25 tuổi), kinh doanh trái cây tại nhà, trú đường Hưng Phú, P.9, Q.8, TP.HCM, có một chiếc xe đạp địa hình dành riêng cho việc đi cà phê với bạn bè hoặc những lúc cần di chuyển không gấp trên đường phố. Hùng nói: “Đi xe đạp, nhất là vào buổi sáng sớm, đạp dọc các bờ sông thấy khoan khoái nhưng nản nhất gặp cảnh tắc đường. Vì không có làn đường riêng nên đi xe đạp là không ai nhường mình, như một mình lạc giữa biển xe máy, xe hơi”.

Làm sao để người trẻ đi xe đạp nhiều hơn ?

Anh Nguyễn Đức Hùng trao đổi: “Bây giờ tiệm sửa xe hơi, xe máy nhiều hơn sửa xe đạp. Có lần tôi bị vỡ lốp xe mà dắt bộ bở hơi tai không thấy tiệm nào sửa xe đạp. Khuyến khích người dân đi xe đạp nhiều hơn, ngoài việc ưu tiên làn đường cho người đi xe đạp, cần phải có các hệ thống, đơn vị sửa chữa nếu xe hư hỏng”.
Mai Kim Khánh, Chủ nhiệm CLB Kỹ năng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng: “Tôi mong TP.HCM có hệ thống xe đạp công cộng như nhiều nước trên thế giới, nó sẽ rất có lợi cho người trẻ, nhất là sinh viên ở trọ. Chi phí thuê xe đạp công cộng sẽ rẻ hơn rất nhiều so với đổ xăng, không phải lo tìm chỗ để xe nếu đi ở trọ, từ đó có thể đi lại cự ly gần thuận tiện, tập hợp đông đảo các bạn cùng đi nhà sách, di tích trong thành phố”.
Còn Mai Công Hiếu, huấn luyện viên bộ môn đua xe đạp đội tuyển trẻ quốc gia, cho hay một trong những lý do nhiều người trẻ ở các đô thị quay lưng với xe đạp là “làm biếng”. Trong khi đó, đi xe đạp có lợi đủ đường về tăng cường sức khỏe, sự hạnh phúc, giúp môi trường xanh hơn.
“Tôi ủng hộ thành phố sẽ có làn đường dành riêng cho xe đạp, để người đi xe đạp được an toàn hơn. Đồng thời, hãy khuấy động phong trào khuyến khích người trẻ dùng phương tiện này nhiều hơn. Tôi luôn tin thế hệ trẻ ngày nay tân tiến, luôn biết làm những gì tốt cho bản thân và môi trường, xã hội. Họ sẽ chọn xe đạp nếu thấy phương tiện này an toàn, tiện dụng và hiệu quả”.

Thay đổi cách nghĩ “xe đạp dành cho người nghèo”

Ngày 3.5 tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM phối hợp với Trung tâm nghiên cứu vùng và đô thị tổ chức tọa đàm “Hệ thống xe đạp công cộng: Sự cần thiết và tiềm năng phát triển tại TP.HCM”. Các chuyên gia đã chỉ ra việc triển khai mô hình xe đạp công cộng tại TP.HCM là cấp bách và cần thiết, nhất là trong bối cảnh TP.HCM có nhiều phương tiện lưu thông cá nhân cao nhất cả nước, ùn tắc giao thông trở thành mối đe dọa với sự phát triển đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động…
Tiến sĩ Trần Tiến Dũng, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, chỉ ra nếu xe đạp công cộng được áp dụng tại TP.HCM sẽ mang đến nhiều lợi ích về giao thông (nếu đi lại trong khoảng cách 5 km thì xe đạp là nhanh nhất trong đô thị); lợi ích sức khỏe, giảm bệnh xương khớp; tiết kiệm hơn các phương tiện cơ giới; bảo vệ môi trường; giúp cho cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn…
Còn anh Đinh Đăng Hải, Tổ chức HelathBridge VN, nhấn mạnh cần phải thay đổi định kiến, suy nghĩ của rất nhiều người là xe đạp chỉ dành cho người nghèo. Anh Hải chỉ ra các nguyên tắc cơ bản về quy hoạch hạ tầng cho xe đạp, ở châu Âu đã áp dụng thành công, thì xe đạp là phương tiện chính thức cho người đi làm; cho tất cả các đối tượng, cả người thu nhập trung bình và cao; cho mọi người từ 8 - 80 tuổi.
Theo ông Nguyễn Thiện Thông, Giám đốc điều hành dự án giao thông công cộng Easy Move (Công ty TNHH thương mại và kỹ thuật Tân Kỷ Nguyên), cần quan tâm đặc biệt tới quy hoạch làn đường dành riêng cho xe đạp. Nếu ô tô, xe máy và xe đạp đi chung một đường, sẽ gây thêm ùn tắc, tai nạn nên cần cơ chế dành riêng cho xe đạp, người dân sẽ an tâm và an toàn hơn khi di chuyển.
Theo ông Thông, ở một số nước phát triển có quy hoạch làn đường riêng, hoặc di chuyển trên vỉa hè cùng người đi bộ… Và văn hóa sử dụng các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe đạp sẽ được hình thành nếu có sự chung tay của mọi người trong xã hội, các phong trào khuyến khích đi xe đạp phải thực hiện từ lãnh đạo thành phố tới mọi người dân; cán bộ giảng viên, học sinh, sinh viên.

Ý kiến

Mình luôn ao ước có những làn đường dành riêng cho xe đạp ở TP.HCM, giống như nhiều thành phố ở Canada quê mình. Hầu hết các thành phố như: Ottawa, Edmonton, Toronto... đều có đường cho người đạp xe, rất an toàn. Vỉa hè cũng rất rộng, thoáng, tiện cho việc đỗ, gửi xe.
Jesse Peterson (quốc tịch Canada)
Bên Đức, người dân đi xe đạp rất đông, cơ sở hạ tầng quá tuyệt vời. Tôi cho rằng các công ty ở TP.HCM có thể có các chính sách để nhân viên trẻ đi xe đạp được tiện hơn, như có thể mặc áo phông, không bắt buộc là áo sơ mi đóng thùng; khuyến khích bằng khen thưởng, tạo ra phong trào để mọi người đạp xe đi làm, rèn luyện sức khỏe.
Kỹ sư Nguyễn Đức Máy (đang tu nghiệp tại Đức)

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.