Sao có thể ngồi yên khi thấy rác dưới chân mình!
“Chị ơi, lát ăn xong chị bỏ rác vào thùng giúp em nha”, “Anh ơi, anh cho em xin bịch vỏ bánh của anh”, Giang Thị Kim Yến, 36 tuổi, xinh đẹp trong chiếc đầm jean và áo thun trắng, nở nụ cười dịu dàng với những khán giả đang hồi hộp dõi theo chân các cầu thủ đội tuyển VN tại Asian Cup 2019. Yến không cô đơn, phía trước và sau lưng cô, nhiều bạn trẻ khác cũng đang hăng say trong công việc của mình.
|
“Nhiều người bảo tôi bị rảnh à, hay là thích nổi tiếng, muốn được chú ý, tôi chỉ cười. Tôi biết một mình mình không thể nhặt hết rác ở khắp nơi, cũng như không thể làm trái đất xanh hơn, nhưng ít nhất tôi cũng có thể truyền cảm hứng cho ai đó. Mỗi người cố gắng một chút, rác quanh chúng ta sẽ ít đi”, Yến nói khi tiếng còi kết thúc trận đấu VN - Iraq hôm 8.1 vang lên. Mọi người lục đục ra về, bỏ lại biển rác ngập ngụa trên phố đi bộ. Yến và nhiều tình nguyện viên khác lặng lẽ nhặt. Cô lên taxi trở về nhà khi đồng hồ chỉ 2 giờ sáng, ngày 9.1.
Yến là cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, từng có hơn 12 năm là giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM và Đà Nẵng, hiện đang kinh doanh bất động sản tại TP.HCM. Ăn chay trường, theo đuổi lối sống xanh, Yến bắt đầu nhặt rác ở bất cứ nơi đâu cô đặt chân đến từ tháng 9.2018 sau khi được truyền cảm hứng từ một người bạn Hà Lan. “Bạn đó 28 tuổi, rất dễ thương, bạn nói bạn là khách tới VN, vậy phải mang những món quà tốt đẹp tới tặng chủ nhà, đó chính là hành động nhặt rác. Vậy thì tôi là người Việt, sao tôi có thể ngồi yên khi thấy rác dưới chân mình”, Yến nói.
Sẽ vui hơn nếu VN vô địch và đường phố không rác
Nguyễn Bích Trâm, 21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, có mặt trên phố đi bộ Nguyễn Huệ cổ vũ đội tuyển VN gặp Jordan hôm 20.1. Sau trận thắng, khi người hâm mộ ùa ra đường ăn mừng chiến thắng của thầy trò HLV Park Hang-seo, bỏ lại la liệt rác dưới chân thì Trâm rủ thêm nhóm bạn ở lại, cùng nhặt rác.
tin liên quan
Chuyện của những người trẻ đi gom rácTrong khi đó, với Giang Thị Kim Yến, đội tuyển VN chiến thắng là tin vui, nhưng sẽ vui hơn nếu cổ động viên có ý thức khi đi xem bóng đá nơi công cộng. Không chỉ bỏ rác đúng nơi quy định, Yến muốn những bạn trẻ nếu “đi bão” ăn mừng cũng đừng nên rồ ga, bấm còi inh ỏi và tuyệt đối không xả rác trên đường phố.
Cả Trâm và Yến đều đã gặp được không ít người bạn tốt sau các chuyến nhặt rác. Trâm cho hay, cô đã làm quen, kết bạn Facebook được với 5 người bạn mới, chuẩn bị lên kế hoạch cho các chuyến nhặt rác sau này ở các nơi công cộng trong TP.HCM. Trong khi đó, Yến đã quen với nhóm bạn trẻ là chủ kênh YouTube Pato Channel Vietnam. Họ cũng đi nhặt rác sau các lần xem bóng đá trên phố đi bộ Nguyễn Huệ và chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng cho những video giúp mọi người giữ gìn không gian công cộng hơn nữa.
Từ tháng 9.2018 đến nay, Yến đã đặt chân đến nhiều tỉnh thành của VN và 5 quốc gia là Brunei, Ấn Độ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha. Chuyến đi nào cô cũng dành thời gian để nhặt rác xung quanh nơi mình ở. Yến bộc bạch: “Tôi vẫn nhớ, mình từng đi suốt 4 tiếng đồng hồ dọc bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng chỉ để nhặt hết số đầu lọc thuốc lá. Hay chuyến tới Ấn Độ, không khí rất ô nhiễm, đi đâu cũng gặp rác, chúng tôi dọn dẹp trên đỉnh một ngọn núi, nhiều người bản địa thấy vậy quyết định cùng chúng tôi dọn rác sạch sẽ, sau đó chụp hình chung. Việc tốt lan tỏa, điều này khiến tôi hạnh phúc”.
Bình luận (0)