Điểm tựa cho những 'vầng trăng khuyết'

11/11/2018 08:10 GMT+7

Với bản thân tôi, đến với giáo dục đặc biệt là một cơ duyên lớn trong cuộc đời.

Lúc mới nhận công tác tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn (Quảng Ngãi), tôi rất mừng nhưng cũng rất lo…
Mừng bởi vì lúc này muốn xin được công việc đúng với chuyên ngành của mình rất khó khăn. Nhưng cái lo nhiều hơn cái mừng, nói chung là tôi sợ. Sợ cái tâm của mình có đủ lớn để giảng dạy cho các em hay không. Sợ công việc này sẽ rất khó khăn, gian khổ. Sợ mình sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ... Tôi đã sợ và thậm chí là rất sợ.
Nhưng mọi nỗi sợ của tôi đã bị đánh tan trong lần đầu tiếp xúc với các em. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, khi xem những tiết mục văn nghệ do học sinh khuyết tật của trung tâm biểu diễn, tôi đã vô cùng thán phục... Những tiết mục văn nghệ đã truyền đến cho tôi một thông điệp rằng các em “tàn” nhưng không “phế”. Những gì mà học sinh lành lặn không làm được, các em cũng có thể làm được và thậm chí làm tốt hơn rất nhiều.
Ở Trung tâm Võ Hồng Sơn nuôi dạy trẻ với rất nhiều dạng tật: khiếm thính, chậm phát triển trí tuệ, down, bại não... Với riêng từng dạng tật, các em có các hành vi và ứng xử khác nhau. Trong các giờ học trên lớp cũng như hoạt động thực tiễn bên ngoài, có những tiết dạy không thể thực hiện được vì trẻ tự kỷ có những hành vi rất khó lường, đang dạy các em lại nằm lăn ra la hét, đôi khi đánh bạn, có lúc lại làm đau chính bản thân mình và thậm chí còn đánh cả tôi. Lúc đó, tôi phải tạm hoãn tiết dạy lại và điều chỉnh hành vi, điều hòa cảm giác cho học sinh đó để em cảm thấy dễ chịu hơn và trở lại trạng thái ban đầu…
Lớp tôi nhận công tác chủ nhiệm là một lớp khó khăn về học với rất nhiều dạng tật: chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ, bại não, down... Trong giờ ngủ trưa của trẻ bán trú trên phòng học, một trẻ tự kỷ không ngủ trưa mà đi qua đi lại trong phòng; lúc này, một trẻ down đã lấy thanh phách học nhạc đánh vào tay và đùi của trẻ tự kỷ vì lý do: không chịu ngủ trưa! Lúc đó, tôi đang ăn trưa dưới nhà ăn. Khi lên phòng thì các em đã ngủ, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Đến chiều, tôi trả cháu cho phụ huynh mà hoàn toàn không hay biết về sự việc đã xảy ra lúc trưa. Khi về, phụ huynh thấy cháu có vết bầm trên tay và đùi.
Chưa trao đổi gì với tôi, phụ huynh này đã chụp hình và đăng lên mạng xã hội với nội dung rằng giáo viên chúng tôi đã bạo hành trẻ, giáo viên chúng tôi không có lương tâm. Khi biết được sự việc này, toàn thể nhân viên, giáo viên của trung tâm đã rất hoang mang. Còn tôi, giáo viên chủ nhiệm của trẻ này, là người dạy dỗ, theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ, tôi đã rất hoảng loạn, lo sợ. Sợ mọi người sẽ nghĩ mình là người đánh trẻ, sợ mọi công sức, cố gắng và tâm huyết của mình sẽ trở về con số không, sợ nó sẽ để lại vết nhơ trong sự nghiệp.
Thế nhưng, ngay hôm sau, ban giám hiệu đã mời phụ huynh, tôi và toàn thể giáo viên - nhân viên của trung tâm và có cả các trẻ lớp tôi chủ nhiệm. Và sự thật được sáng tỏ. Các em đã thuật lại sự việc của bữa trưa hôm đó. Tôi như vỡ òa trong nước mắt vì đã được giải oan. Phụ huynh đó đã gửi lời xin lỗi đến nhà trường, đến tôi và gỡ bỏ bài viết đã đăng trên mạng xã hội. Lúc này, mọi gánh nặng, suy nghĩ tiêu cực của tôi đã được trút bỏ. Nhưng hơn lúc nào hết, tôi nhận ra rằng vì sự chủ quan không đáng có mà đã xảy ra một sự việc nghiêm trọng.
Lằn roi trên người trẻ tuy không phải do tôi trực tiếp gây ra, nhưng cũng do một phần lỗi của tôi. Tôi đã rút ra bài học kinh nghiệm trong quá trình dạy những đứa trẻ thơ dại của mình. Tôi thật biết ơn những người đã có tâm huyết thành lập nên ngôi nhà chung Võ Hồng Sơn, những mạnh thường quân, những nhà hảo tâm đã đến với trẻ khuyết tật.
Với tôi, từng ngày đến trường, nhìn những nụ cười ngây dại, những sự tiến bộ hằng ngày trong học tập cũng như các kỹ năng sống của các em là động lực để tôi có thể bước tiếp chặng đường dài đầy thử thách ở phía trước. Tôi muốn góp một phần sức nhỏ nhoi của mình làm đòn bẩy để đưa các em đến sự tiến bộ nhanh hơn, làm điểm tựa cho những “vầng trăng khuyết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.