Nằm trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ 8, nhiệm kỳ 2019-2-24, sáng nay (10.12), 118 đại biểu dự Đại hội đã đến giao lưu, tặng quà cho học sinh Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Hôm nay là một ngày đặc biệt với các học sinh khiếm thị Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, khi nghe thầy cô thông báo sẽ có các anh chị thanh niên tiêu biểu đến giao lưu tại trường, các em nhỏ học nội trú đã thức dậy từ rất sớm chờ đón đoàn.
|
Dù không nhìn thấy nhưng các em đều biết các đại biểu mặc áo màu gì, đi xe gì, màu gì. Nguyễn Đức Quân, học sinh khiếm thị lớp 7A, hồ hởi chia sẻ: “Lâu lắm rồi, em mới có cơ hội đón đoàn đại biểu đến thăm trường. Em rất vui vì được chọn là thành viên trong dàn nhạc dân tộc biểu diễn chào mừng đoàn đại biểu. Đứng trên sân khấu thổi sáo, được các anh chị vỗ tay cổ vũ nhiệt liệt, em cảm thấy phấn khích như có dòng điện chạy trong người”.
Theo cô Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, năm học này tại trường có 165 em học sinh khiếm thị (trong đó có 80 học sinh nội trú) học hòa nhập với hơn 1.000 học sinh sáng. Không chỉ đem đến cho các em tri thức, các thầy cô còn mang đến cho các em ánh sáng của tình yêu thương, chắp cánh cho những đam mê nghệ thuật.
“Ngoài học văn hóa, các học sinh khiếm thị được học nhạc, học vẽ, làm gốm, tin học, ngoại ngữ, tham gia vào các chương trình tình nguyện… Nhiều em đã đoạt giải thưởng về âm nhạc, tin học, trở thành những học sinh ưu tú. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp các em học sinh xoa dịu nỗi đau, giúp các em hòa nhập cộng đồng tốt hơn, biến những điều tưởng như không thể thành có thể”, cô giáo Kim Nga chia sẻ.
|
"Em nghĩ không ai có thể đem lại cho mình cuộc sống thật tốt, trừ bản thân mình tự nỗ lực vươn lên"
Đến thăm trường Nguyễn Đình Chiểu, nhiều đại biểu đi từ ngỡ ngàng đến thán phục tài năng của các em nhỏ. Vũ Thị Hải Anh (quê Nam Định), học sinh lớp 9A1, tỉ mẩn hoàn thành bức vẽ cây thông Noel, chia sẻ: “Em lên Hà Nội học từ năm lớp 3, nhưng mới bắt đầu học vẽ được 2 năm thôi. Trước đây, em chưa bao giờ nghĩ mình có thể vẽ được, học vẽ là một điều rất xa vời. Bây giờ em có thể vẽ và cảm nhận từ trái tim. Mình khiếm khuyết một bộ phận nào đó trên cơ thể là một thiệt thòi, nhưng mình không lấy cái đó làm cái cớ để được lười, được ỉ lại hay trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Em nghĩ không ai có thể đem lại cho mình cuộc sống thật tốt, trừ bản thân mình tự nỗ lực vươn lên”.
Được gặp và giao lưu với các đại biểu thanh niên ưu tú, Hải Anh thổ lộ: “Em rất ngưỡng mộ, các anh chị đều là những người có lý tưởng sống cao đẹp và có những đóng góp cho xã hội. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt, mục tiêu của em là đi du học ngành hoạt động xã hội ở Pháp. Sau này quay về Việt Nam trở giáo viên dạy trẻ khuyết tật và trở thành thanh niên ưu tú như các anh chị ngày hôm nay”.
|
Lần đầu tiên được ra Hà Nội, thăm Lăng Bác và được giao lưu với các học sinh khiếm thị, Nguyễn Thị Thùy Trang (đại biểu tỉnh Quảng Trị) vô cùng xúc động. “Bất ngờ nhất là khi mình xem các em học sinh khiếm thị biểu diễn, dù có những khiếm khuyết nhưng các em rất cố gắng để làm những điều mà ngay cả những người bình thường phải khâm phục. Qua chương trình giao lưu, mình như được các em tiếp thêm động lực, thêm hy vọng để mình cố gắng hơn nữa trong các hoạt động của bản thân. Không phải cái gì cũng khó cả vì khó mấy mình cũng có thể làm được”, Thùy Trang chia sẻ.
Nghe những chia sẻ, mong ước của trẻ em khiếm thị được học ngoại ngữ, được học tin học, nấu ăn, chơi thể thao,… đại biểu Trần Lê Nhật (Bình Định), bộc bạch: “Bọn mình sẵn sàng chung tay đồng hành tạo cho các em cơ hội trong cuộc sống, giúp các em được làm những điều mình thích, như: giúp các em học tin học, tiếng Anh… Mong rằng, không chỉ cán bộ Đoàn - Hội các cấp có những giải pháp huy động được đoàn viên thanh niên cùng chung tay hỗ trợ giúp đỡ có những trẻ em hoàn cảnh khó khăn đặc biệt”.
|
Cũng tại chương trình giao lưu, các đại biểu đã tặng cây xanh cho các lớp học của trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu.
Bình luận (0)