“Đăng, không đăng, không xóa, mà thôi xóa đi”
Trò chuyện với nhiều người trẻ chúng tôi mới nghe được câu chuyện than khổ “dở khóc dở cười” khi dùng mạng xã hội (MXH).
“Nhiều nhà tuyển dụng còn dựa vào MXH để tuyển dụng nhân viên khiến người trẻ chẳng còn dám sống thật trên mạng. Đăng gì, bình luận gì, thậm chí là like cũng phải suy nghĩ đến đau cả đầu. Có khi đăng cái status mà thấy ai vào bình luận hơi nhạy cảm là sợ quá xóa luôn status đó. Thời buổi này không dùng MXH thì lạc hậu, mà dùng thì cũng nhiều cái khổ không thể nói hết thành lời”, Nguyễn Thị Thu Hương (sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế), chia sẻ.
tin liên quan
Có nên đăng hình lên mạng xã hội?“Lúc trước dùng MXH rất thoải mái vì ở đó toàn là bạn bè và gia đình. Đăng lảm nhảm mỗi ngày mấy cái status cũng chẳng ai nói gì. Đến khi đi làm, cứ đăng cái gì lên cũng có người để ý, cũng sợ bị đánh giá là lớn rồi, đi làm rồi mà suốt ngày tâm trạng”, Nguyễn Thị Thu (nhân viên văn phòng tại TP.Huế) giãi bày.
Thu nói thêm: “Nghiêm trọng hơn, Facebook của mình còn có sếp theo dõi, cứ căng thẳng công việc lại càng không dám đăng, bởi sợ sếp sẽ nhận xét này nọ. Nhiều lúc, đăng cái hình vui vẻ đi chơi cũng sợ mọi người bảo ăn rồi đi chơi, không lo làm việc”.
“Thế đấy, mỗi lần có điều gì, tâm trạng gì lại phải nặng đầu suy nghĩ đăng, không đăng, không xóa mà thôi xóa đi. Rồi nếu có đăng gì cũng phải trực xem ai bình luận không hay để còn ẩn đi, kẻo không sếp thấy sếp sẽ nghĩ khác đi về mình”, Thu thở dài than vãn.
Không có gì là đau khổ hết
Ở góc độ tâm lý, thạc sĩ Đào Lê Hòa An, Ủy viên Hội Tâm lý học và xã hội Việt Nam, nhận định: “Không có gì là đau khổ hết, bởi khi nói mình cũng phải suy nghĩ nữa mà, khi viết thì lại lưu giữ lâu hơn nên vấn đề ở chỗ là bạn đăng cái gì là quyền riêng tư của bạn, nhưng quan trọng mục đích của bạn đăng là gì, hay đối tượng bạn muốn hướng đến là ai. Có người có tâm trạng buồn lại muốn câu like câu view nhưng có người lại đăng với mục đích chia sẻ với những đối tượng phù hợp. Vì trên MXH có các chế độ chọn người xem, người có thể nhìn thấy trạng chia sẻ của bạn”.
Đặc biệt ông An cũng nhấn mạnh: “MXH không phải là ảo mà việc đăng gì trên MXH cũng phải như việc phát ngôn ngoài đời sống. Điều quan trọng là khi phát ngôn ngoài đời thực thì bạn chỉ phát ngôn với một người hoặc một nhóm người nhỏ nhưng trên MXH lại là một nhóm người rất lớn, bao gồm cả bạn bè, người thân, thầy cô hoặc những mối quan hệ phức tạp khác. Trong đời sống xã hội bạn có thể đóng rất nhiều vai, đeo nhiều 'mặt nạ' khác nhau để ứng xử với những đối tượng khác nhau. Nhưng ở MXH đặc biệt hơn là bạn phát ngôn chỉ có một bộ mặt, nơi mà thầy cô cũng có thể nhìn vào, bạn bè cũng nhìn vào nên nó đòi hỏi mức độ trau chuốt phải kỹ càng hơn so với việc phát ngôn ngoài đời thực”.
tin liên quan
Cô gái hướng dẫn sử dụng Facebook văn minh bằng… tranhĐồng quan điểm với ông An, chị Chế Dạ Thảo (chuyên viên tham vấn tâm lý, thạc sĩ giáo dục học) nhìn nhận: “Điều đầu tiên bạn phải biết là mục đích sử dụng MXH của bạn là gì. Nếu bạn xem MXH là nơi giải trí thì nó phải giúp mình trở nên thoải mái hơn, dễ chịu hơn. Nhưng nếu trường hợp bạn chia sẻ những điều gì đó không hợp lý thì sẽ nhận được những phản hồi không tốt từ người bạn quen đến không quen. Vậy trong những trường hợp đó bạn có cảm thấy thoải mái nữa hay không?”.
Chị Thảo đặc biệt lưu ý: “Bạn phải nhớ được rằng khi bạn tham gia vào MXH, tầm ảnh hưởng của cộng đồng này là rất lớn. Và điều đặc biệt, tuổi mới lớn là giai đoạn các bạn có nhu cầu giải stress rất cao, nhưng MXH không phải là nơi để giải stress, vì những phản hồi không tốt trên MXH sẽ làm tâm trạng bạn chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực hơn”.
tin liên quan
Bạn có từng đạo văn khi sử dụng mạng xã hội?Theo chị Thảo có nhiều công cụ, nhiều phương án để bạn giải tỏa căng thẳng, buồn bực của mình. Thông thường các bạn không có nơi để giải tỏa, không có ai để tâm sự nên mới đưa lên MXH. Vì thế hãy tham gia các hoạt động xã hội, tìm đến một niềm đam mê lành mạnh nào đấy và tạo một mối quan hệ bạn bè thân thiết để giúp mình giải tỏa cảm xúc.
Chị Thảo khuyên: “Khi chúng ta chưa học được cách quản lý cảm xúc của mình thì nên có những thủ thuật sử dụng MXH, chẳng hạn như lúc đầu bạn không biết phải làm gì thì cứ hãy viết ra và đăng lên nhưng nên chọn chế độ chỉ mình bạn xem được, đến lúc bạn cảm thấy ổn hơn thì chỉnh qua chế độ bạn bè, rồi cuối cùng mới public. Nhưng có thể trong quá trình chuyển từ chế độ này sang chế độ khác thì biết đâu cảm xúc của bạn đã tốt lên và mọi thứ lúc đó đã không còn là vấn đề quan trọng với bạn và bạn không muốn public nó ra nữa. Cũng giống như mình không thức dậy sớm được thì cài đồng hồ báo thức, trên mạng cũng vậy, hãy cài cho mình những chế độ để quản lý cảm xúc của chính mình”.
Bình luận (0)