F0 tình nguyện ở bệnh viện dã chiến: Thấy hết vui buồn của cuộc sống

08/09/2021 10:15 GMT+7

Sau khi cùng 3 người trong gia đình tự điều trị khỏi Covid-19 tại nhà, anh Lê Quang Minh từ một F0 vào bệnh viện dã chiến làm tình nguyện viên với mong muốn đóng góp chút gì đó cho xã hội.

4 người trong nhà mắc Covid-19

Sống trong ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm sâu ở đường Phạm Thế Hiển Q.8, TP.HCM, gia đình anh Lê Quang Minh (35 tuổi) có 5 người nhưng 4 người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Dù mắc Covid-19 nhưng anh Minh, thợ sửa xe máy, nghề điện ở các công trình xây dựng, luôn cố tỏ ra mạnh mẽ để động viên mọi người vượt qua Covid-19. “Đó là một điều kinh khủng xảy ra với gia đình, khiến tâm lý cả nhà vô cùng hoang mang. Tuy nhiên, tôi xác định tâm lý mình vững mới mong cả nhà khỏi bệnh”, anh Minh chia sẻ.
Anh Minh cố tìm mọi cách để chữa trị cho cả nhà và nhờ người thân, bạn bè mang thuốc, thức ăn đến nhà mỗi ngày. Có những ngày chị của anh trở nặng, anh phải liên hệ khắp nơi tìm mua thuốc hay nhờ các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến khám chữa bệnh từ xa.

Anh Minh trong những ngày làm công việc tình nguyện ở bệnh viện dã chiến

May mắn là sau 2 tuần tự điều trị tại nhà hồi tháng 8, cả gia đình anh Minh đã vượt qua Covid-19. Từ đó, anh nghĩ mình cần phải làm gì đó giúp ích cho cộng đồng. “Đến cuối tháng 8, tôi đã liên hệ và đăng ký làm tình nguyện viên tại Bệnh viện dã chiến số 4, Vĩnh Lộc B (H.Bình Chánh). Sáng hôm đó, tôi đi xét nghiệm rồi ngày hôm sau đi làm luôn", anh Minh kể.

Bác sĩ ơi! Có nên vào bệnh viện khám giữa dịch Covid-19? | Trò chuyện cùng chuyên gia trong đại dịch

Hiểu được giá trị sống khi làm tình nguyện

Ngày đầu, anh Minh được xếp vào hỗ trợ tại khoa hồi sức cấp cứu. Còn hơi bỡ ngỡ nhưng anh tự nhủ "nếu mình không làm thì ai làm".
Một ngày làm việc của Minh bắt đầu từ sáng đến chiều. Bước đầu, anh mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang kín mặt rồi tiến thẳng vào khoa cấp cứu đến từng bệnh nhân Covid-19. Anh thay tã, lau người hay đút bệnh nhân ăn. Đây là điều anh Minh chưa từng làm trước đây nhưng khi thấy bệnh nhân thoải mái, tươi tỉnh, anh cảm thấy việc làm của mình có ý nghĩa.
“Tôi cảm thấy tình cảm y bác sĩ ở đây rất tốt, ai cũng hoà đồng, trách nhiệm. Khi chăm sóc bệnh nhân, tôi luôn thấy hình bóng cha mẹ mình trong đó. Tôi thấy trong những ánh mắt bệnh nhân những lời nói, cử chỉ mà tôi cảm nhận được. Còn trong lòng tôi chỉ muốn họ mau bình phục”, anh Minh chia sẻ.

Theo anh Minh, trở thành tình nguyện viên là muốn chung tay với cộng đồng, giảm áp lực với đội ngũ y bác sĩ

NVCC

Hơn 10 ngày làm tình nguyện ở bệnh viện dã chiến, anh Minh mới thấy hết được những vui buồn của cuộc sống này. Đó là sự san sẻ, cùng nhau chung tay mới có thể vượt qua khó khăn dịch bệnh.
“Tôi nhớ lần đầu tôi đút cho một cô ăn vào buổi sáng, sau đó buổi chiều tôi cũng vào chăm cô. Nhưng về phòng thì nhận tin cô mất, hai anh em tình nguyện viên cảm thấy hụt hẫng lắm. Ai cũng lẳng lặng, không nói gì. Hoặc có những người tôi chăm buổi sáng nhưng đến trưa họ lại mất”, anh Minh kể lại những kỷ niệm buồn ở bệnh viện dã chiến.
Giờ đây, niềm vui lớn nhất của anh Minh là nhìn thấy các bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch và được về với gia đình.
Anh Minh chia sẻ, thời gian làm tình nguyện ở bệnh viện dã chiến đã cho mình nhiều bài học về cuộc sống. “Tôi nghĩ được nhiều cho cộng đồng, gạt bỏ sĩ diện, cái tôi qua một bên. Mình vì người khác trước rồi mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến với mình sau. Nó giống như gia đình tôi nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng mà vượt qua được những điều tồi tệ”, anh nói.
Anh Minh, người từng là F0,  mong muốn các bạn trẻ có điều kiện nên làm tình nguyện trong thời gian dịch Covid-19 bởi đó là kỹ năng sống, kiến thức, sự trải nghiệm. Điều này giúp ích rất nhiều trong quãng đời thanh xuân của mình và cả về sau này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.