Bác sĩ cần phải có sức khoẻ, cần lời động viên tinh thần
5 giờ sáng, tại một nhà hàng trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), 22 tình nguyện viên bắt tay vào công việc nấu ăn. Những món ăn không phải để phục vụ thực khách mà là bữa cơm dành cho đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19.
Anh L.N.Q.K. (43 tuổi), người sáng lập “Bếp yêu thương Mùa Vàng”, cho biết tình nguyện viên ở đây đều là những đầu bếp, bạn trẻ làm trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn. Nhà hàng của anh K. buộc phải đóng cửa vì dịch Covid-19, nhưng anh quyết định cùng bạn bè góp sức nấu cơm gửi cho các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến.
|
Theo anh K., bếp ăn “đỏ lửa” được 16 ngày và hoạt động theo tiêu chí tự tâm, tức không kêu gọi tài trợ, chỉ sử dụng nguồn kinh phí cá nhân và bạn bè. Các tình nguyện viên sẽ ở lại nhà hàng, được xét nghiệm liên tục và không được ra ngoài để đảm bảo quy định phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, anh K. tổ chức bếp thiện nguyện theo đúng kiểu của nhà hàng gồm các vị trí riêng biệt như: bếp trưởng, bếp nấu, bếp rau, rửa chén, giặt ủi, vệ sinh, bảo vệ...và lực lượng phân chia khẩu phần ăn sau khi nấu xong. “Có như thế mới đảm bảo an toàn, một khi có người nhiễm bệnh, chúng tôi sẽ không nấu ăn cho bác sĩ được. Như vậy, bác sĩ tuyến đầu sẽ thiệt thòi”, anh K. chia sẻ.
|
Trong ngày đầu, đội ngũ bếp đã cho ra lò hơn 200 suất cơm thơm ngon và đến nay là hơn 750 suất. Anh K. có kế hoạch tăng lên tới hơn 2.000 suất ăn/ngày.
“Việc tôi làm xuất phát từ suy nghĩ là những y bác sĩ cần phải có sức khoẻ, cần lời động viên tinh thần cho họ. Do đó, tôi dấn thân vào làm. May mắn tôi được bạn bè động viên hỗ trợ mà không đòi hỏi”, anh K. nói.
"Tình thương cho đi, bình an còn mãi"
Ngoài những phần cơm nóng hổi, anh K. còn gửi những lời tri ân, động viên đến với các y bác sĩ. Đó là những dòng chữ viết tay trên giấy của nhiều người, bao gồm cả học sinh, đính kèm với hộp cơm.
Nội dung những lá thư này là lời động viên, chia sẻ đầy tình yêu thương như: “Hạt thóc rơi xuống, cây lúa đượm hương/Tình thương cho đi, bình an còn mãi. Mọi người ăn ngon miệng” hay “Anh chị hãy cố gắng mạnh mẽ lên nhé! Biết ơn sự cho đi của anh chị, chúc anh chị ngon miệng, ký tên Tuệ Đức”.
|
Theo anh K., những lời động viên từ này xuất phát từ ý tưởng của một người bạn nhằm gửi thông điệp tích cực, phần nào giúp các y bác sĩ cảm thấy nhẹ lòng, cảm thấy hạnh phúc hơn vì luôn có người ủng hộ sau lưng họ.
“Tôi nghĩ rằng cho học sinh viết lời động viên bác sĩ như gieo trồng cho trẻ một hạt giống thiện lương ở trong lòng. Giúp trẻ có sự biết ơn bác sĩ và sau này lòng biết ơn sẽ lớn lên từng ngày”, anh K. chia sẻ.
|
Trong những ngày đầu sau khi phát động, anh K. đã nhận hàng trăm lá thư động viên tinh thần y bác sĩ và số lượng tăng lên mỗi ngày.
“Tôi không muốn việc này dành cho riêng mình. Tôi muốn lan tỏa nó đến với những bếp ăn khác, những vùng có dịch khác hơn nữa để mong có nhiều người chung tay chống dịch hơn nữa”, anh K., người có ý tưởng viết những lời động viên trên từng hộp cơm đến với bác sĩ chống dịch, chia sẻ.
Bình luận (0)