Đã hơn 1 tháng kể từ khi áp dụng Chỉ thị 16 ở TP.HCM, do không ra ngoài và các hàng quán không phục vụ, nhiều bạn trẻ tự nấu ăn nên có rất nhiều "cung bậc" khác nhau về bữa ăn: Từ phong phú, đa dạng đến hết sức giản đơn.
Tự làm những món yêu thích
Trong những ngày này, Trần Thị Thu Diễm (28 tuổi, làm trong ngành xuất nhập khẩu quốc tế ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) thường xuyên tự nấu ăn tại nhà hơn so với trước đây. Cô cho rằng việc tự nấu ăn vừa giúp tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn cho chính bản thân và những người xung quanh.
Mùa này, Diễm thường nấu những món như: thịt kho trứng, gà kho sả, sườn kho tiêu, khổ qua xào trứng… hoặc thèm những món khác quá cũng tìm cách nấu món bún bò để ăn ở nhà.
“Đa số các món ăn mình thích vẫn nấu được, tuy nhiên cũng có một ít hạn chế. Một phần do việc đi lại bị hạn chế nên không ra ngoài mua nguyên liệu được. Phần khác các nguyên liệu ở chợ, siêu thị cũng không đa dạng như trước. Tuy nhiên, xét tổng thể mình vẫn cảm thấy tốt hơn khi nấu ăn ở nhà”, Diễm nói.
|
Còn Đặng Công Trình (29 tuổi, ngụ đường Cao Lỗ, P.4, Q.8) thừa nhận anh là một tín đồ của cà phê đường phố. Tuy nhiên, từ ngày TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách xã hội, anh ở nhà tập pha cà phê đá, cà phê sữa đá hoặc bạc xỉu.
“Tôi mê cà phê, một ngày có thể uống vài ly, nhưng giãn cách không mua được đồ uống bên ngoài. Thế là từ đó, tôi có cơ hội tự pha và hiểu hơn về loại đồ uống này hơn. Tôi thấy rằng nếu tự pha cà phê cũng có thể tiết kiệm tiền, hạn chế dùng đồ nhựa một lần, ống hút (nếu mua mang đi), uống tại nhà cũng có những thú vị riêng”, Trình chia sẻ.
|
Dù vậy, Trình luôn ước mong Sài Gòn sớm bình thường trở lại, để được nhâm nhi ly cà phê ngoài đường phố. Anh cho rằng cà phê không chỉ đơn giản là thức uống vì đi uống cà phê còn là tìm hiểu văn hóa, khám phá những nơi mà ta đã đi qua để hiểu về nơi đó.
Liên tục mì gói, trứng
Bùi Hoàng Long (ngụ đường Chu Văn An, P.26, Q.Bình Thạnh) chia sẻ mùa giãn cách này đã "làm bạn" với mì gói gần 2 tháng nay. Anh ở trọ nên không có nhiều vật dụng cá nhân cũng như dụng cụ làm bếp.
Mỗi bữa ăn, Long thường ra ngoài ăn hoặc mua về nhà và giờ đây anh phải mua mì gói về dự trữ và ăn dần trong những ngày giãn cách xã hội. Ngày 3 bữa, Long đều ăn mì gói.
Đến đầu tháng 7, vì quá ngán mì nên Long tìm cách cải thiện bữa ăn, xin cơm từ quán cơm từ thiện, tìm cách mua rau về để có chất xơ.
“Mì gói như là món ăn chính của tôi trong mùa giãn cách này. Bây giờ cứ mỗi 2 - 3 ngày tôi lại ăn mì gói tiếp. Tôi không thể quên trong đời món mì gói”, Long chia sẻ khi vừa ăn xong tô mì gói trưa nay.
|
Có gì ăn nấy cũng là tình cảnh của Nguyễn Quỳnh Hoa (20 tuổi, ngụ chung cư 9View, đường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức). Hoa cho biết mùa dịch này chung cư bị phong tỏa nên điều kiện ăn uống bị hạn chế nhiều. Đa phần Hoa ăn những món mà gia đình còn dự trữ hoặc thực phẩm hỗ trợ từ bên ngoài khu phong toả.
Hoa nói thêm: “Nhà tôi có trứng nấu trứng, có thịt nấu thịt, có khô nấu khô. Thỉnh thoảng được hàng xóm cho bó rau thì nấu canh rau. Giờ gia đình tôi quay về thời ăn no chứ không phải ăn ngon nữa. Tôi thấy như thế cũng đã may mắn lắm rồi vì ngoài kia còn nhiều người khổ hơn mình”.
Tuy vậy, mùa này Hoa cho rằng cô "làm bạn" với món trứng hầu như mỗi ngày. Cô vui vẻ mỗi ngày đổi món như trứng chiên, trứng luộc hay trứng ốp la coi như thay đổi hình thức cho đỡ ngán trong những ngày ở nhà theo Chỉ thị 16.
Bình luận (0)