Theo quy định về chống dịch của UBND TP.HCM, bắt đầu từ tối 26.7, người dân không ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Vì vậy, nhiều bạn trẻ có những hồi tưởng về thời gian sau 18 giờ trước kia của mình.
Xuống phố dạo chơi, la cà hàng quán
Vẫn nhớ như in những kỷ niệm sau 18 giờ trước kia, Nguyễn Phan Giang (26 tuổi, nhân viên marketing tại TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho rằng tình trạng kẹt xe là dấu ấn đậm nét nhất tới hôm nay.
Theo Giang, TP.HCM thực sự sống động sau 18 giờ và đó cũng là khoảng thời gian nhiều người trẻ thích nhất trong ngày vì được tự do, thoát khỏi bộn bề công việc, xuống phố dạo chơi, giải trí ở nhiều khu phố nhộn nhịp.
|
Riêng Giang thường hay ăn ở tiệm, la cà quán xá vì các quán bắt đầu bán từ buổi chiều tối. “Tôi thích tụ tập bạn bè cùng đi ăn rồi dạo quanh phố phường, ngồi cà phê tám chuyện giảm sầu, lân la vài phố với bạn bè rồi mới về nhà. Tuy nhiên, giờ tôi đành chờ đợi thôi, đợi thành phố khỏe lại thì sẽ đi ăn tất cả quán quen sau 18 giờ”, Giang chia sẻ.
Còn Nguyễn Thị Ngọc Nữ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, hay nấu những món mình thích sau 18 giờ những ngày trong tuần. Sau đó, cô đi tập gym, đọc sách rồi xem phim. Có những tối cuối tuần, Ngọc Nữ hay ra ngoài ăn uống với bạn bè và đi chơi đến đêm. Cô xem đó là khoảng thời gian ít ỏi cho riêng bản thân vì cả ngày đã dành hết thời gian cho việc học ở trường hoặc đi làm thêm.
“Trong khoảng thời sau 18 giờ trước đây, tôi cảm thấy được tự do nhất, làm việc mình thích, từ rèn luyện sức khỏe, tự trau dồi khóa học mình thích hay hẹn hò với bạn bè, mọi thứ đều do mình chủ động và rất thích thú. Ngoài ra, thời gian đó mới thực sự dành cho người trẻ khi thành phố lên đèn, nhộn nhịp và nhiều thứ hay ho”, Ngọc Nữ chia sẻ.
Tương tự, Nguyễn Thái Thường, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cũng thường đi ăn cùng bạn bè, có khi ngồi ở một quán cà phê bất kỳ để làm bài tập vào buổi chiều tối. Thường cho rằng ban đêm có rất nhiều bạn trẻ tìm đến các quán cà phê trước khi dịch bùng phát, điều này tạo cảm giác hứng khởi để học tập.
Còn Nguyễn Phước Huy (30 tuổi, ở chung cư Vinhome Grand Park, TP.Thủ Đức) cho biết trước kia anh thường đến quán bún bò để ăn tối, rồi lái xe từ nhà đến Q.1 để tụ tập bạn bè uống cà phê hoặc mua sắm. Trong những ngày cuối tuần, anh hay đi bơi, đi tập thể dục vào lúc 18 giờ mỗi tuần, nhưng giờ phải tạm gác lại mọi thứ, ở yên trong nhà để góp phần phòng chống dịch Covid-19.
Hết dịch sẽ chạy quanh thành phố
Đối với Huy, thời gian sau 18 giờ trước kia là những kỷ niệm đáng nhớ và anh tin rằng nó sẽ quay trở lại để chứng kiến sự tấp nập của phố phường, sự năng động của thành phố, sự phát triển của đất nước. "Còn bây giờ chỉ ở nhà, thấy mọi sự chuyển động xung quanh như bị đứng yên, món ăn thì đơn điệu, giao tiếp người với người chỉ qua internet, cảm giác tù túng và ngộp ngạt thật sự”, Huy nói.
|
Phan Giang thì có kế hoạch tìm món cơm tấm sườn yêu thích sau 18 giờ nếu được đi lại bình thường, rồi dạo một vòng, uống ly bia, tám chuyện cùng đám bạn. Hiện tại cô chỉ mong mọi người đồng lòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe để dịch bệnh chóng qua mau.
Còn Ngọc Nữ "hứa" sẽ chạy xe trên những con đường quen thuộc mà mình thích sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cô sẽ đi từ Q.Bình Thạnh sang các quận trung tâm vì đã quá lâu không lái xe máy.
“Đã quá lâu mình không được lướt trên những con đường xinh đẹp, rồi vào các quán ăn, quán trà sữa, thỉnh thoảng lướt dạo phố phường mua một số đồ cho bản thân mà không cần nhân dịp gì. Còn nữa, cảm giác vượt qua dòng kẹt xe ở Ngã tư Hàng Xanh sau 18 giờ lâu rồi mình không được thử”, Ngọc Nữ nói thêm.
Bình luận (0)