Giãn cách xã hội: Không cần đi chợ vẫn có cái ăn
H.Eakar (tỉnh Đăk Lăk) thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nhưng cuộc sống của gia đình Nguyễn Thúy An (30 tuổi) ở xã Eatyh không có gì thay đổi vì hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài và có sẵn nguồn lương thực.
Xung quanh là sườn đồi, ngôi nhà nhỏ của Thúy An có rẫy trồng nhiều loại cây như chôm chôm, sầu riêng cùng vườn rau và hồ nuôi cá, chuồng nuôi bò, heo. An bắt đầu công việc mỗi sáng bằng cắt cỏ cho bò, rửa dọn chuồng, làm cỏ vườn, cắt cành, trồng thêm rau, cho cá ăn ở hồ nhỏ.
Cô cho biết bản thân không bị “nhốt” vào bốn bức tường, không phải tiếp xúc với nhiều người vì rẫy hoàn toàn không có ai. “Tôi vẫn chấp hành đúng Chỉ thị 15 và ở nhà cùng mẹ làm vườn, trồng thêm khoai môn với ít rau ăn lá. Tôi thực sự thoải mái và không bị ảnh hưởng gì vì vốn dĩ bình thường tôi chỉ ở rẫy suốt. Tôi hạnh phúc vì điều đó”, Thuý An nói.
Chợ thị xã đóng cửa nhưng gia đình Thuý An vẫn có thể đảm bảo tự cung tự cấp lương thực. Gia đình cô đã có sẵn gạo, cá ở ao, vịt và gà vẫn đẻ trứng đều, rau quả ngoài vườn nên không cần đi chợ.
|
|
“Ngoài ra, nhà tôi có 3 cây sầu riêng đang rụng chín nhiều, dịch thế này không bán được, hoặc chỉ bán được giá rẻ nên tôi lấy múi bỏ ngăn đông để dành. Sống ở thành phố trong lúc thực hiện lệnh giãn cách xã hội là một điều khó khăn. Còn ở quê tôi, có một cái rẫy, cái ao là thoải mái cho mình làm việc và sinh hoạt. Tôi cảm thấy mình thật may mắn”, Thuý An chia sẻ.
Hái rau rừng, làm việc thoải mái tại nhà
Nguyễn Văn Nhã (28 tuổi) rời thành phố lên vùng xa ở tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp được 2 năm. Thời điểm dịch này, làng Ma Bó, xã Đa Quyn, H.Đức Trọng (Lâm Đồng) nằm sát cánh rừng, người thưa, chưa ghi nhận ca nhiễm nhưng đang áp dụng Chỉ thị 15.
Nhà của Nhã nằm trên khoảng đất rộng, với vườn cây và vườn rau. Những ngôi nhà xung quanh nằm khá xa nên anh luôn có thể đảm bảo giãn cách xã hội.
|
Nhã không nghĩ rằng giãn cách xã hội làm mình sống chậm lại vì cuộc sống vùng quê vốn diễn ra êm đềm trong suốt 2 năm qua.
Không thể tiếp tục làm ngành du lịch vì dịch Covid-19 bùng phát, Nhã tận dụng khoảng sân quanh nhà trồng rau, cây xanh. Anh lấy việc chăm sóc rau, cây trồng làm thú tiêu khiển và thỉnh thoảng vào rừng hái măng, hái rau rừng.
Bên cạnh đó, anh thu mua dược liệu của bà con đi rừng về, làm thêm măng khô, nấm linh chi… để bán lấy tiền mua gạo, còn mọi thứ khác thì có sẵn trong vườn. Điều này cho thấy anh có thể "tự cung tự cấp" lương thực trong mùa dịch.
|
“Sáng tôi ra vườn, nấu ăn hoặc cho chó mèo ăn. Đến trưa, một mình tôi bắt tay vào cưa gỗ, đóng vách nhà, làm chậu hoa, đóng bàn ghế cho hoàn thiện dần. Đến tối, tôi nằm bên hiên nhà, mở nhạc, nhắp chén trà tận hưởng không khí thoáng đãng”, Nhã kể.
Theo Nhã, sống tại vùng quê, gần rừng trong lúc thực hiện giãn cách xã hội mọi thứ không quá bức bối như ở thành thị.
Bình luận (0)