(TNO) Mới đây, một hình ảnh được đưa lên mạng về bức thư từ chối ứng viên xin việc với những lời lẽ không hay đã gây 'bão mạng'. Chủ nhân của bức thư đã đưa ra lời xin lỗi trước việc ném đá của cư dân mạng.
Bức thư có nội dung miệt thị ứng viên của T.D lan truyền trên mạng
Cụ thể, đây là bức thư của T.D, nắm giữ chức vụ art director của một công ty. Nội dung của bức thư: “Chào A.T! Cám ơn em đã quan tâm và apply (ứng tuyển) cho vị trí Content Writer Intern. Anh từ chối tiếp nhận hồ sơ của em vì nó thiếu sự tôn trọng với nhà tuyển dụng (không có cover letter - thư xin việc, CV sơ sài). Anh không biết em giỏi giang cỡ nào đến đâu và em tài ba đến mức nào, nhưng những nguyên tắc cơ bản như vậy em còn chưa nắm vững thì anh khuyên em nên đi học lại Giáo dục công dân nhé. Chúc em may mắn. P/S: Nếu muốn anh là ai mà có thể nói như thế với em thì hãy google tên anh…”.
Kèm theo hình ảnh này là những hình ảnh về các câu trả lời của T.D với những người comment khi T.D đưa bức thư lên facebook cá nhân. Trước những lời phản ánh về bức thư có phần khoác lác này, T.D phản ứng rất mạnh và còn xỉ vả người khác. T.D còn chửi các SV Trường ĐH Ngoại thương chỉ vì ứng viên mà T.D từ chối học tại trường này. Việc này càng dẫn đến phản ứng dữ dội của cư dân mạng, nhất là sinh viên và cựu sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương.
Các hình ảnh này lập tức được chia sẻ dữ dội trên facebook và T.D phải hứng chịu việc “ném đá” kinh khủng của cư dân mạng. Rất nhiều người bất bình vì T.D cũng là người từng được báo chí khen ngợi với một clip khá hay trên mạng.
Ngày 2.6, trước sự phản ứng dữ dội của cư dân mạng, T.D đã viết một status xin lỗi đến toàn thể sinh viên và giáo viên Trường ĐH Ngoại thương (FTU): “ Thời gian qua tôi có gặp một số vấn đề khó khăn trong cuộc sống và công việc, dẫn tới việc mất tự chủ và không kiềm chế được cơn nóng giận. Tôi không có ý định ôm đũa cả nắm và đẩy hết mọi lỗi lầm cho sinh viên FTU. Với tư cách cá nhân và nhân viên công ty, tôi một lần nữa gửi lời xin lỗi đến toàn thể các bạn FTU. Mong các bạn tha thứ, xin cảm ơn!".
Status xin lỗi của T.D
Đây là một bài học đắt giá cho việc tuyển dụng nhân sự và việc đối xử với người ứng tuyển. Như một facebooker có trả lời tại lời xin lỗi của T.D: “Nếu chị là người làm HR (nhân sự) của công ty, việc đầu tiên là cho dừng hợp đồng với em và đại diện công ty xin lỗi mọi người. Và nếu chị là HR cho những agency khác, chị sẽ không bao giờ tuyển em dù em có viết cover letter và CV đẹp và hay đến đâu chăng nữa... Không phải ai hành động thế nào rồi xin lỗi cũng là xong và chuyện khó khăn của em không phải là lý do để đổ dồn lên người khác. Hy vọng em đã có được 1 bài học đắt giá!”.
Ứng tuyển hay từ chối, cũng cần kỹ năng
Từ câu chuyện bức thư giữa một nhà tuyển dụng từ chối tiếp nhận hồ sơ vì một sinh viên không đính kèm thư ngỏ làm việc cũng như sơ yếu lý lịch được viết sơ sài, cộng đồng mạng đã có những tranh cãi về văn hóa tìm kiếm việc làm hiện nay của sinh viên.
Tôn trọng nhà tuyển dụng là tạo cơ hội cho chính mình
Câu chuyện khởi nguồn từ việc một sinh viên mới tốt nghiệp đang ứng tuyển vào công ty nhưng lại không đính kèm thư ngỏ làm việc (cover letter) và sơ yếu lý lịch (CV) được viết sơ sài, khiến nhà tuyển dụng đã lập tức phản hồi bằng việc từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Theo bà Đinh Vy (công ty CMA-CGM) cho biết: “Sinh viên mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nhưng không vì thế mà đổ lỗi được, các bạn đã có thể hội nhập và tự tìm kiếm lựa chọn cho mình những cơ hội thì hãy đầu tư hết sức, có như vậy thì cơ hội tuyển dụng mới dành cho các bạn được”. Cũng đồng tình quan điểm đó, bạn Nguyễn Thu Trang khẳng định: “Theo mình thì cơ hội sẽ không có, chắc chắn là rớt với những bạn sinh viên không cẩn thận vì nhà tuyển dụng sẽ thấy rằng, khó có thể tìm kiếm được ở ứng viên sự tự chịu trách nhiệm trong công việc vì ngay cả bản thân cũng chưa có cơ mà!”.
Việc tìm kiếm các cơ hội và chuẩn bị một bộ hồ sơ chu đáo với tất cả năng lực của mình chính là kỹ năng mà các bạn sinh viên còn thiếu trong suốt quá trình đào tạo tại nhà trường. Theo thạc sĩ Lê Hương Anh (giảng viên Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, TP.HCM) cho biết: “Nhiều lúc tôi nhận thư điện tử của sinh viên viết cộc lốc cũng bực mình vì không hiểu sao các em có thể ứng tuyển vào các công ty được nên tôi luôn cố gắng rèn dũa các em ngay từ khi còn trong trường để có thể thích nghi với nhu cầu xã hội”.
Từ chối khéo léo cũng là tạo dựng hình ảnh công ty
Theo quan điểm của bạn Nguyễn Hoàng Thắng (sinh viên ngành Marketing, Trường ĐH Washington, Mỹ) rằng: “Tôi không đồng ý với cách ứng xử của nhà tuyển dụng trong trường hợp này. Đồng ý là bạn sinh viên thiếu chuyên nghiệp và (có lẽ) thiếu tôn trọng nhà tuyển dụng, nhưng một nhà tuyển dụng giỏi và có tâm sẽ có cách phúc đáp đơn xin việc và hồi âm theo một cách tích cực, mang tính hướng dẫn, và thể hiện được quan điểm của công ty, để vừa là giới thiệu và gìn giữ hình ảnh công ty chứ không đơn thuần bày tỏ quan điểm công kích hay lên án”.
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh, các công ty đều luôn cố gắng gìn giữ hình ảnh và thương hiệu bản thân, việc ứng xử với những ứng viên chưa thực sự đầu tư vào hồ sơ cũng là vấn đề khó khăn. Theo ông Lê Hoàng Minh Khương (Công ty đào tạo và chia sẻ kỹ năng TDE) cho biết: “Việc ứng viên có lọt qua sơ tuyển hay không thì công ty cũng nên nhẹ nhàng gởi hồi đáp. Tôi biết có nhiều đơn vị tuyển dụng thậm chí sẽ không gởi hồi đáp cho ứng viên nếu trượt, như vậy sẽ thiếu đi tính chuyên nghiệp trong chính sách nhân sự của công ty”.
Đức Toàn (ghi)
|
Bình luận (0)