Một lần nọ, tôi ghé tiệm tạp hóa đầu con phố mua chai nước. Người mẹ tìm hoài không thấy chai nước tôi cần, nên vọng vào nhà hỏi cô con gái tầm 12 tuổi thùng nước bà đã mua về để ở đâu. Cô con gái không nhìn mẹ và trả lời ậm ừ gì đó. Người mẹ bực quá, hỏi to thùng nước để đâu. Cô bé cũng vùng vằng rồi la to lên: “Ai mà biết, má tìm đâu đó đi”. Nói xong, cô bé tiếp tục cầm điện thoại lên xem.
Lần khác, tôi đang ngồi trước nhà và thấy một cháu học sinh tầm lớp 10, 11 đi ngoài nắng. Khi cháu đến gần, tôi hỏi: “Trời nắng thế, sao con không đội nón vào để đi học mà lại để đầu trần ngoài nắng vậy?”. Cô bé học sinh này nhìn tôi, rồi bình thản vừa đi vừa trả lời: “Con hổng quen đội nón”.
Thoạt tiên, những câu trả lời của con trẻ kiểu vậy dường như đã quá bình thường hay quen thuộc với nhiều người, nhiều gia đình. Tuy nhiên, thực tế là những kiểu trả lời ngang hàng, vắng bóng tiếng dạ, thưa như vậy ở lứa tuổi của trẻ là hoàn toàn bất thường.
Tôi nhớ ngày mình còn nhỏ. Dù ba mẹ có dễ tính như thế nào thì mỗi lời chúng tôi nói ra với người lớn tuổi hơn chứ không chỉ thầy cô, đều phải có dạ, thưa rõ ràng, không được nói “trỏng”. Mỗi khi anh em chúng tôi quên điều này, ba mẹ đều nghiêm khắc nhắc nhở. Phút ban đầu chúng tôi chưa quen nên hay quên “dạ”, “thưa” khi giao tiếp với người lớn, nhưng nhớ lại cơn giận của ba mẹ, chúng tôi lại nhớ ngay, và dần dần tiếng dạ thưa trở thành phản xạ khi tiếp xúc với những người lớn tuổi hơn mình. Và phản xạ đó đã theo anh em tôi đến suốt đời...
Mỗi lời nói của con trẻ kiểu như “dạ có”, “dạ con không biết” hay “thưa cô, thưa chú” tuy đơn giản, nhưng lại mang đến một cảm giác dễ chịu và tôn trọng người đối diện. Bạn dạy cho con mọi điều tốt đẹp, dạy con sống có ích để được người khác tôn trọng, quý mến. Nhưng làm sao con trẻ có thể dễ dàng đạt được mong muốn ấy khi mọi lời con thốt ra đều vắng bóng hai tiếng dạ, thưa?
Tôi đã nhiều lần cảm thấy ngạc nhiên, khi nhìn thấy các em học sinh bình luận chuyện phim ảnh và chê diễn viên thoại “sến” khi mở miệng ra là cứ dạ dạ, thưa thưa. Nhưng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy nhiều phụ huynh lại cười cho qua chuyện trước lời nhận xét kiểu vậy từ con cái mình.
Dạy cho con trẻ biết nói lời dạ, thưa khi giao tiếp với người lớn tuổi, có thể không khiến con trở nên lấp lánh, rực rỡ hơn so những thành tích cụ thể nào đó mà con đạt được trong quá trình học tập. Tuy nhiên, khi con biết lễ phép trong cách nói năng với người đối diện, đó lại là nền móng cần phải có của nhận thức và trưởng thành. Và đó mới là những thứ quan trọng nhất trong hành trình giáo dục con trẻ.
Bình luận (0)