'Gieo chữ' ở vùng biên Ea Súp

28/10/2017 09:50 GMT+7

Cùng với nhiệm vụ tuần tra, canh giữ biên cương, các chiến sĩ biên phòng còn xóa mù chữ ở buôn làng, giúp người dân có cơ hội tiếp cận tri thức.

Mỗi tuần vào 3 buổi tối, đại úy Phạm Văn Hiếu (Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ea H'leo) và trung úy Hoàng Văn Thọ (cùng 34 tuổi, cán bộ Đồn biên phòng Ia Rvê) đều đến lớp xóa mù chữ ở phân hiệu Trường THCS xã Ia Rvê (H.Ea Súp, Đắk Lắk), cách các đồn biên phòng hơn 20 km. Tối nay, bà Lữ Thị Sáng, 58 tuổi, ở thôn 13, học viên nhiều tuổi nhất đến lớp đầu tiên. Lát sau, hơn 30 học viên khác lục tục đến lớp, tiếng chào hỏi, cười nói rôm rả trước giờ học.
Anh Bàng Sinh Kiên (26 tuổi) ngượng nghịu kể lý do đến lớp: “Lúc nhỏ, em ở quê Cao Bằng, trường xa quá nên không được đi học. Khi vào đây sinh sống, lấy vợ, vợ biết chữ mà em lại không biết. Nhiều lúc không đọc được hướng dẫn toa thuốc tây hay tin nhắn điện thoại, ngượng quá nên em quyết tâm đi học”.
Nhiều năm nay, người dân xã Ia Rvê trìu mến gọi hai cán bộ biên phòng “gieo chữ” ở vùng biên này là “thầy Hiếu”, “thầy Thọ”. “Hồi mới phụ trách công tác dân vận ở các thôn cánh đông xã Ia Rvê này, thấy nhiều bà con không biết chữ, hiểu biết khó khăn, tôi cùng đồng đội là trung úy Thọ nghĩ cách phải mở lớp xóa mù chữ giúp bà con, khi đề xuất với chỉ huy thì được đồng ý ngay”, đại úy Hiếu nhớ lại.
Theo đại úy Hiếu, ban đầu vận động bà con đến lớp không dễ, đa số đều ngần ngại, mặc cảm vì lớn tuổi. Mặt khác, bà con ban ngày cày cuốc trên nương rẫy, tối về mệt mỏi, tâm lý muốn nghỉ ngơi hơn là đến lớp. Nhiều hôm, các thầy giáo không ngồi chờ ở lớp mà phải đi đến từng nhà vận động học viên. Có buổi học viên ở nhà... uống rượu, không muốn đi học, anh em đến thuyết phục mãi, phải khéo léo động viên họ bỏ cuộc rượu để đến lớp...
“Lớp học có đủ thành phần già trẻ, nam nữ, dân tộc khác nhau, trình độ nhận thức, tiếp thu không đồng đều. Cán bộ biên phòng đứng lớp lại chưa qua trường lớp sư phạm nên ban đầu việc truyền thụ kiến thức khá khó khăn. Vì thế, anh em chúng tôi đặt ra phương châm kiên trì, nhẫn nại cùng học viên làm quen, nắm bắt từng bài học”, trung úy Thọ chia sẻ.

tin liên quan

'Món ăn tinh thần' của lính tàu ngầm
Ở Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân (Lữ đoàn 189), cán bộ chiến sĩ không chỉ được trang bị kiến thức làm chủ vũ khí - khí tài hiện đại, mà còn được chăm sóc bằng những “món ăn tinh thần” đặc biệt, sát với hoạt động thực tiễn của bộ đội.  
“Thầy” Thọ cho hay địa bàn xã Ia Rvê có đến 20 dân tộc anh em; ngoài các dân tộc bản địa như Êđê, M’nông, còn có đồng bào miền núi phía bắc di cư vào như: Thái, Tày, Nùng, H’mông…, nhiều người không biết tiếng phổ thông. Bởi vậy, các thầy giáo cũng phải học thêm một số thứ tiếng của đồng bào ở mức giao tiếp để nói chuyện, diễn giải cho bà con dễ hiểu hơn… Ông Hà Công Thức, học viên 51 tuổi, nhận xét: “Thầy Hiếu và thầy Thọ rất nhiệt tình giảng dạy, lại biết hạn chế của từng học viên để hướng dẫn bài vở và khuyến khích, động viên. Nhờ đó, tôi cùng nhiều người khác dễ tiếp thu, về nhà rèn chữ, làm thêm bài tập nên mau tiến bộ”.
Từ năm 2012 đến nay, đại úy Phạm Văn Hiếu và trung úy Hoàng Văn Thọ đã tổ chức giảng dạy, xóa mù chữ được 2 lớp với 53 học viên ở xã Ia Rvê, hiện đang khảo sát để tiếp tục mở lớp mới. Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê, nói: “Xã Ia Rvê thuộc diện đặc biệt khó khăn, 70% hộ nghèo, nhiều người dân không có điều kiện đến trường. Chương trình xóa mù chữ của bộ đội biên phòng rất thiết thực, giúp bà con biết đọc, biết viết, biết tính toán để áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, góp phần đáng kể vào việc cải thiện cuộc sống người dân trên địa bàn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.