Giúp nhau phát triển năng lực bản thân

07/03/2021 09:09 GMT+7

Nhóm bạn trẻ sinh ra và lớn lên ở miền núi xa xôi, khi có cơ hội được phát triển, họ đã quay trở lại địa phương để giúp cho thanh niên cải thiện kiến thức và phát triển sinh kế tại địa phương.

Để thanh niên đồng bào cũng có cơ hội như mình

Dự án của nhóm bạn trẻ trên là Sáng kiến phát triển năng lực thực hiện hoạt động cộng đồng cho giới trẻ. Dự án được thành lập bởi Vũ Đức Huy, một chàng trai sinh ra và lớn lên ở miền núi Kon Tum. Hiện Huy là sinh viên Trường ĐH Fulbright, là học giả toàn cầu Open Social University Network tại ĐH Fulbright; đại biểu tham dự hội nghị Get Engaged 2020 tại Budapest (Hungary) và từng là đại sứ thiện chí của Tàu thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản…
Tiếp xúc với trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số từ khi còn rất nhỏ, Huy không ngờ một ngày mình sẽ thực hiện những dự án cộng đồng hỗ trợ cho sự phát triển của trẻ em vùng cao. Cũng chính từ những gì đã được tiếp xúc, được trải qua và thấu hiểu, Huy biết rằng mình cần phải làm điều gì đó để đồng hành cùng người trẻ vùng cao.
Chúng tôi gặp Nguyễn Thị Hoài Thương, sinh viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam, thành viên nhóm dự án vừa trở về TP.HCM sau chuyến đi dài ngày ở Kon Tum để thực hiện dự án của nhóm. Thương cũng như tất cả bạn trẻ trong dự án đều rất tâm huyết và mong muốn giúp thanh niên dân tộc thiểu số có thể phát triển được năng lực bản thân.
“Lúc đầu tụi mình chỉ đơn giản là làm từ thiện ở Kon Tum, hỗ trợ cho các em nhỏ đồng bào thiểu số ở tỉnh. Sau một năm làm việc, nhóm nhận thấy nhu cầu của các em ở đây không dừng lại ở đó. Các đoàn từ thiện cứ đến rồi lại đi, nhưng các em nhỏ lại không muốn như vậy, các em muốn tụi mình có thể đồng hành lâu dài hơn, nên từ đó nhóm bắt đầu thay đổi chương trình”, Thương bày tỏ.

Đồng hành lâu dài cùng trẻ vùng cao

Thương cho biết dự án tập trung hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số cải thiện kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực phát triển bản thân, nhằm chuẩn bị cho công việc tương lai của chính họ tại quê nhà.
Các thành viên của nhóm ở TP.HCM về Kon Tum để khảo sát nhu cầu của thanh thiếu niên, bởi theo Thương khi không hiểu được mọi người cần gì thì giá trị mà mình mang đến cũng không phù hợp. Từ những nhu cầu mà thanh thiếu niên ở đây cần, nhóm kết nối với các doanh nghiệp xã hội để họ cùng góp ý và lên kế hoạch tổ chức chương trình, để làm sao trang bị cho thanh thiếu niên những kỹ năng cần thiết nhất.
Trong chuyến khảo sát, nhóm kết nối để làm quen với thanh thiếu niên địa phương và tổ chức nhiều nội dung khác, ví dụ như hoạt động nguồn lực cộng đồng, ở hoạt động này nhóm đã thảo luận về các tiềm năng cộng đồng tại địa phương và gợi ý để giúp thanh thiếu niên biết họ đang có gì, muốn gì và sẽ làm những gì.
Nhóm cũng mời diễn giả về nói chuyện để truyền cảm hứng với những nội dung như: vượt lên trên biến động, công dân trong thời đại mới… Nhóm cũng giúp thanh thiếu niên tự quay video, thuyết trình với khách du lịch về cảnh đẹp của quê hương mình để luyện kỹ năng nói chuyện trước đám đông, tăng sự tự tin…
Chương trình không chỉ dừng lại ở đó, nhóm sẽ đồng hành cùng thanh thiếu nhi ở đây lâu dài và phát triển dự án một cách bền vững.
“Chính những thanh thiếu niên được tụi mình hỗ trợ sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhóm để tổ chức những chương trình tiếp theo. Theo quan niệm của tụi mình, nếu truyền đạt kiến thức cho họ, thì họ sẽ là những người lãnh đạo và tiếp tục phát triển các thế hệ tiếp theo tại địa phương, như thế sẽ mang hiệu ứng tốt hơn rất nhiều”, Thương tâm huyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.