GS Hoàng Chí Bảo: ‘Nhiều người hỏi, sao không thấy Bác Hồ dạy: Thương yêu cha mẹ?’

Vũ Thơ
Vũ Thơ
05/05/2021 11:39 GMT+7

Tại buổi tọa đàm “Đội TNTP Hồ Chí Minh - 80 mùa hoa lớn lên cùng đất nước”, GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận T.Ư cho biết: "Nhiều người hỏi, sao không thấy Bác Hồ dạy Thương yêu cha mẹ ?

Ngày 5.5, nhiều nhân chứng lịch sử, chuyên gia, nhà khoa học đã về Cao Bằng tham gia tọa đàm “Đội TNTP Hồ Chí Minh - 80 mùa hoa lớn lên cùng đất nước”, nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15.5.1941 - 15.5.2021).
Chương trình có sự tham dự và chủ trì ông Lê Thanh Đạo, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa 1; ông Hoàng Bình Quân, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Đối ngoại T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư khóa 3; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Công tác thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.
Tham dự chương trình còn có lãnh đạo Tỉnh ủy Cao Bằng và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo tổ chức Đội các thời kỳ.

Các đại biểu chủ trì hội nghị

Ảnh Đăng Hải

“Yêu đồng bào”, trước hết là yêu bố mẹ

Tại tọa đàm, GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận T.Ư, đã có bài chia sẻ sâu sắc về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. GS Bảo cho biết, nhiều người hỏi, sao không thấy Bác Hồ dạy “Thương yêu cha mẹ?”.
Theo GS Bảo, cái nôi, cái gốc để sinh thành tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, lòng yêu nước thương dân bắt đầu từ tình yêu đối với gia đình, quê hương xứ sở.
Để lớn lên và phát triển lành mạnh về nhân cách, thiếu niên, nhi đồng cần phải được giáo dục, bồi dưỡng một tình cảm đặc biệt là “yêu thương cha mẹ”.

GS Hoàng Chí Bảo phát biểu tại tọa đàm

Ảnh Đăng Hải

“Trên thực tế, Bác Hồ rất chú trọng tới yêu cầu giáo dục ấy. Chữ “hiếu” gắn liền với chữ “trung”. Để “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, từ tuổi thơ, trẻ em phải được giáo dục cẩn thận về chữ hiếu, mà biểu hiện trực tiếp là yêu thương cha mẹ”, GS Bảo khẳng định.
Dẫn lại bối cảnh ra đời 5 điểu Bác Hồ dạy, GS Bảo cho biết, Bác Hồ thường xuyên giáo dục cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ về lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.
Đó là tình cảm đạo đức, cũng là phẩm chất chính trị cao quý. Yêu thương gia đình, cha mẹ gắn liền và nằm trong một tình cảm rộng lớn và sâu sắc hơn, đó là yêu Tổ quốc, yêu đồng bào.

Các em học sinh tham dự tọa đàm

Ảnh Đăng Hải

“Chúng ta không bao giờ được quên rằng, Bác Hồ trong nhiều bức thư gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng, nhất là nhân dịp khai giảng năm học mới, trong tết Trung thu, riêng Trung thu 1945, Bác có 2 bức thư gửi cho các cháu, Bác luôn dạy các cháu về tình yêu thương cha mẹ, về “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, “phải chăm ngoan học giỏi”, “ở trường phải kính thầy yêu bạn”, “ở nhà phải vâng lời và thương yêu cha mẹ” để lớn lên thành những công dân tốt, góp phần xây dựng đất nước”, GS Bảo nói.
Cũng chia sẻ về 5 điều Bác Hồ dạy, ông Hoàng Giai, nguyên Trưởng khoa Thiếu nhi, Trường Đoàn cao cấp T.Ư (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), nguyên Ủy viên Hội đồng Đội T.Ư khóa 1, cũng cho rằng, khi nghiên cứu về 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, chúng ta phải hiểu điều thứ nhất: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” là quan trọng nhất, xuyên suốt cả 4 điều còn lại.

Ông Hoàng Giai chia sẻ tại tọa đàm

Ảnh Đăng Hải

“Bác dùng từ “đồng bào” trong 6 điều Bác khuyên năm 1949, không dùng từ “nhân dân” trong thư Bác gửi ngày 31.10.1955 vì “đồng bào” là cùng một bào thai, từ dùng để gọi những người cùng một giống nòi, một dân tộc, một đất nước.
Theo suy nghĩ của tôi: “Yêu đồng bào”, trước hết là yêu bố mẹ, anh em, những người trong một gia đình. Hiểu như thế, chúng ta sẽ giải đáp được băn khoăn, vì sao trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng, Bác không đề ra một điều cụ thể là “Yêu gia đình”, ông Hoàng Giai nhấn mạnh.

Có làm việc tốt mới là người tốt

Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng lao động Nguyễn Đức Thìn, “cha đẻ” của phong trào Nghìn việc tốt, cũng cho rằng, 5 điều Bác Hồ dạy đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục, khoa học và nhân đạo, đậm tính nhân văn, là bài học kinh nghiệm đường đời của Bác.
Ông Thìn chia sẻ: “Bác tổng kết, truyền dạy, ân cần chỉ bảo cho các em, là kim chỉ nam cho các cấp, các ngành, các lực lượng, các tổ chức giáo dục thực hiện. Là mốc đánh dấu sự chuyển biến quan trọng của sự nghiệp giáo dục.
Đối với thiếu niên nhi đồng, 5 điều dạy của Bác không những là sự chỉ dẫn cụ thể đầy đủ cho các cháu biết làm những gì, làm cách nào? Cố gắng để đạt kết quả tốt nhất. Hơn thế, lời dạy của Bác là lời khuyên nhủ ân cần, là tình thương yêu và tin tưởng vào các cháu thế hệ tương lai tươi đẹp của đất nước”.

Nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn nói về phong trào Nghìn việc tốt

Ảnh Đăng Hải

Theo ông Thìn, “Nghìn việc tốt” là biện pháp cụ thể hóa nội dung 5 điều Bác Hồ dạy, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm.
“Có làm việc tốt mới là người tốt, hoàn thiện mình là Cháu ngoan Bác Hồ, xứng đáng Cháu ngoan Bác Hồ. Danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ trìu mến, thân thương, nhân cách con người. Bác Hồ là Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Là cháu ngoan Bác Hồ, cũng là con người có nhân cách Việt Nam, hẳn nhiên phải là con ngoan, trò giỏi, đội viên tốt mới xứng đáng Cháu ngoan Bác Hồ. Danh hiệu này đặc sắc tinh thần Việt Nam, tâm hồn Việt Nam trong sáng, đầy tình thương mến, đậm nét nhân văn”, ông Thìn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.