Hành trình chấp nhận trẻ tự kỷ

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/07/2019 07:05 GMT+7

Không dễ dàng để bất cứ một cha mẹ nào chấp nhận con mình bị tự kỷ . Nhiều người tự giày vò 'tôi đã làm gì độc ác, để con tự kỷ'. Nhưng, đó không phải là giải pháp. Chấp nhận và đồng hành cùng trẻ tự kỷ là một hành trình cần kiên nhẫn, yêu thương.

Buổi nói chuyện có tên “Phương pháp Floortime và câu chuyện giáo dục trẻ trong thời đại số”, do Saigon Psych Talks, dự án MIIP, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM tổ chức ngày 28.7, thu hút hàng trăm cha mẹ, những giáo viên, chuyên gia tâm lý…
Các bác sĩ và Giáo sư Trương Nguyện Thành đã mang tới cho các bậc làm cha mẹ những điều về phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ, mà không phải ai cũng nắm rõ.

Chơi cùng con trên sàn

Mỗi đứa trẻ là một bông hoa khác biệt trong một khu vườn rực rỡ sắc màu, hãy tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ và đừng làm tổn thương các em

Tiến sĩ, bác sĩ ĐẶNG LÊ NHƯ NGUYỆT Khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang, giảng viên chương trình ngữ âm trị liệu, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, chỉ ra những khó khăn trong gia đình có trẻ tự kỷ. Đó là gánh nặng kinh tế, mất nhiều thời gian chăm sóc con, mặc cảm, không có khả năng đương đầu với khó khăn của trẻ… Và trong đó, nhiều bố mẹ không chấp nhận trẻ, không chấp nhận con mình tự kỷ để tìm phương pháp giáo dục phù hợp nhất với con, đến khi nhận ra thì quá trễ.
Theo bác sĩ Giang, 100 trẻ tự kỷ thì 100 trẻ cũng sẽ có những khác biệt, không bé nào giống nhau. Sai lầm của nhiều cha mẹ là cứ dạy trẻ tự kỷ phải biết nói, rồi dạy trẻ logic, biết phân biệt đúng sai, nên hay không nên, nhiều bố mẹ cứ ngồi trên một cái bàn cao rồi chỉ trỏ…
Bác sĩ Giang đã chia sẻ với các phụ huynh phương pháp Floortime (chơi trên sàn) trong giáo dục trẻ tự kỷ. Theo bác sĩ Giang, thời gian sàn không phải là dạy trẻ, mà là cùng bò ra sàn, chơi với con, tương tác, nương theo những điều trẻ thích, miễn không nguy hiểm, đừng bắt trẻ làm theo mình, để thu hút trẻ, tăng cường tương tác, giao tiếp hai chiều giữa trẻ và người chăm sóc. Từ đó đọc được những đáp ứng, tín hiệu cảm xúc của trẻ… Cha mẹ hãy dạy con từ cảm giác tới nhận thức, đầu tiên để trẻ tiếp xúc với thế giới thông qua các giác quan, qua giác quan trẻ ghi nhận được các kích thích, các kích thích được lặp đi lặp lại, dần dần giúp trẻ chuyển lên giai đoạn phát triển kế tiếp...
Chia sẻ với các cha mẹ cũng đang có con tự kỷ, GS Trương Nguyện Thành, tác giả sách Cha voi, nói chỉ có sự chấp nhận con, đồng hành, kiên nhẫn, cha mẹ sẽ có phương pháp giáo dục phù hợp với con. Trong hành trình lớn lên với con trai Taki bị tự kỷ, tìm phương pháp giáo dục con, ông hiểu ra mình không thể ngồi dạy con, mà phải quay trở lại quá khứ, khi mà ông nội dạy tôi với trò chơi “giả đò”, ông cũng chơi như vậy với con - dạy mà không dạy, không dạy mà là dạy.

Tự kỷ không phải bệnh hay khuyết tật

Trong buổi trò chuyện ngày 28.7, các chuyên gia đã đưa ra thông điệp: Tự kỷ không phải bệnh hay khuyết tật, nó cần những người bạn sẵn sàng, kiên nhẫn, tử tế cùng đồng hành, hỗ trợ. Tự kỷ khiến những điều kỳ diệu có thể xảy ra.
Một phụ huynh băn khoăn, hiện ở VN có rất nhiều trung tâm giới thiệu là hỗ trợ trẻ tự kỷ, đâu là cách để phụ huynh đánh giá được trung tâm chất lượng, yên tâm để gửi gắm con mình. Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang cho hay, các cha mẹ nên lựa chọn những trung tâm có tên tuổi, được nhà nước cấp phép, nên tin tưởng những trung tâm cởi mở với các phụ huynh, chia sẻ, kết nối hai chiều giữa phụ huynh và các thầy cô, để phụ huynh được quan sát, tham gia các buổi sinh hoạt cùng con…
Còn tiến sĩ, bác sĩ Đặng Lê Như Nguyệt, Khoa Sức khỏe trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, nhấn mạnh: “Mỗi đứa trẻ là một bông hoa khác biệt trong một khu vườn rực rỡ sắc màu, hãy tôn trọng sự khác biệt của mỗi đứa trẻ và đừng làm tổn thương các em”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.