Hành trình kinh ngạc của cha con cô bé câm điếc

14/04/2016 08:27 GMT+7

Một người cha 44 tuổi kiên cường cùng con bị câm điếc bẩm sinh trải qua 18 năm khổ luyện để học hành. Đến nay, họ đã học những bài học cuối cùng của bậc phổ thông. Hành trình của hai cha con làm lay động lòng người...

Một người cha 44 tuổi kiên cường cùng con bị câm điếc bẩm sinh trải qua 18 năm khổ luyện để học hành. Đến nay, họ đã học những bài học cuối cùng của bậc phổ thông. Hành trình của hai cha con làm lay động lòng người...

Anh Khương luôn ở bên cạnh con mỗi ngày đến trường - Ảnh: Tú SơnAnh Khương luôn ở bên cạnh con mỗi ngày đến trường - Ảnh: Tú Sơn
18 năm xin đứng ngoài phòng để học cùng con
Trưa 12.4, trời nắng gắt. Người đàn ông gầy gò đưa con đến trường và đứng dõi theo con bước vào trong lớp. Ít ai biết để có ngày hôm nay, anh và con đã phải bước trên một hành trình đầy gian khổ.
Người đàn ông tên là Trần Khương (ngụ tại Q.12, TP.HCM). Quyết định rời quê hương Quảng Ngãi vào TP.HCM lập nghiệp năm 1996, đến năm 1997, vợ chồng anh vui mừng đón đứa con gái đầu lòng. Anh đã tưởng tượng đến cảnh con mình sẽ múa ballet trên sân khấu và đặt tên con là Khả Ái, như chứa đựng tất cả mong ước của mình về con. Nhưng khi con được 2 tuổi, anh phát hiện con mình không nghe được gì cả. Kết quả khám y khoa chứng thực điều này, vợ chồng anh đã đứng ôm nhau khóc. Tiếng gọi “ba mẹ” đầu đời, có thể anh chị mãi không được nghe từ miệng con mình.
May mắn anh tình cờ đọc được một thông tin về bệnh của con mình kèm theo địa chỉ của Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Nhận được lời tư vấn, anh về bán xe máy, vay mượn để đủ 5 lượng vàng mua hai máy trợ thính cho con. Nghĩa là đến 30 tháng tuổi, Khả Ái mới bắt đầu nghe được âm thanh đầu tiên về thế giới xung quanh mình, dù thính lực chỉ đạt được khoảng 30%. Ban đầu, bé nhất quyết không chịu đeo máy vì mồ hôi chảy ra rất khó chịu. Vợ anh phải may hai miếng đeo bằng len để bao máy lại, giữ máy cho đến khi bé xem đó là một bộ phận của cơ thể mình.
Lúc này là khởi đầu cho hành trình kỳ diệu của cha con anh. Điều quan trọng nhất là tập nói. Với những bé bị câm điếc bẩm sinh, không phải là không thể dạy nói, mà bố mẹ phải cực kỳ kiên nhẫn dạy con từng ngày từng giờ, vì các bé đã không nghe được, lại rất khó khăn để nói. Mỗi một từ dạy cho con phát âm, vợ chồng anh Khương phải dạy hàng chục lần, chủ yếu là dùng khẩu hình miệng để con bắt chước. Cứ dạy con nói, chỉ khẩu hình, chỉnh âm trong suốt 18 năm dài.
Khả Ái (bàn đầu, bên phải) cùng bạn bè trong lớp học - Ảnh: Tú Sơn
Khả Ái vào học mầm non bình thường, không học lớp chuyên biệt là một bước ngoặt thật sự. Giữa môi trường các bé bình thường, các cô giáo hết sức bất ngờ và không biết sẽ giúp đỡ bé thế nào. Từ đó, sáng đưa con đi học, anh nán lại trường giúp đỡ các cô. Chiều đón con về, anh hỏi cô dạy bé những gì, rồi về nhà dạy lại cho con. Ái học đến hai năm lớp lá chỉ để có nền tảng tốt hơn cho việc hòa nhập. Năm Ái lên lớp 1, cả anh và con lại càng phải cố gắng hơn. Con đi học, những tiết quan trọng về ngôn ngữ như: chính tả, đọc chữ… anh xin phép đứng ngoài để học, về nhà dạy lại con. Con không tiếp thu được, anh tìm đủ mọi cách để minh chứng cho bài học. Ví dụ để dạy con câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim”, anh phải tìm một đoạn kẽm, ngồi mài đến khi mòn vẹt. Kể chuyện cổ tích, cả nhà phải đóng vai diễn để cho con hiểu…
Năm Ái lên lớp 6 lại là bước ngoặt mới. Có đến 12 cô giáo, 12 giọng nói mà em phải làm quen. Phải mất hai tháng cô trò mới quen được với nhau. Nhưng ngay buổi họp phụ huynh đầu tiên, anh bị cô mời lại nói chuyện riêng. Anh phải trình bày và thuyết phục mãi cũng như vận động phụ huynh xung quanh mời cô giáo chủ nhiệm về dạy thêm tại nhà để con có điều kiện học tốt hơn. Những cố gắng ấy của cha con anh khiến đôi khi cô giáo ứa nước mắt. Nhất là khi Khả Ái mày mò từng tí để học văn - môn trở ngại nhất đối với em.
Thi lớp 10 cùng các bạn bình thường, Ái thiếu mất 1 điểm để vào trường công lập. anh cho con vào học trường tư là Trường THPT Lý Thái Tổ (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Thấy sự cố gắng của bố con anh, lãnh đạo trường quyết định cấp 50% học bổng để Ái yên tâm học tập. Ở TP.HCM, Khả Ái gần như là học sinh khuyết tật duy nhất không phải học trường chuyên biệt, không phải dùng ngôn ngữ ký hiệu khi giao tiếp.
Nhật ký lay động lòng người
Nghe chỉ được khoảng 30% nhờ máy trợ thính, giao tiếp khó khăn, tiếp thu chậm, nhưng nhờ nỗ lực vượt bậc, Khả Ái luôn là học sinh tiên tiến. Ngay chính các thầy cô của Trường THPT Lý Thái Tổ cũng luôn kinh ngạc về ý chí kiên cường của cô bé.
Anh Khương cùng con gái Khả Ái - Ảnh: Tú Sơn
Điều đáng quý là anh Khương luôn dạy con tự đứng lên bằng ý chí của mình và Ái luôn nhận thức được bản thân mình để cố gắng. Từ khi đi học, từng có nhiều thầy cô muốn giúp Ái có điểm cao hơn thực tế vì khâm phục nghị lực của em. Nhưng anh Khương đều từ chối. Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, Ái dự định thi vào ngành thiết kế thời trang hoặc may mặc, để sau này mở một cửa hàng bán đồ tự thiết kế, nhận những trẻ em câm điếc vào làm. Nhưng em cho biết mình không cần sự giúp đỡ nào mà muốn tự đi thi như bao thí sinh bình thường khác.
Một tuần trước đây, Khả Ái vừa nhận được chứng nhận khuyết tật nặng của phường cấp. Tờ chứng nhận mà trước đó một hội đồng giám định cấp phường (không có bác sĩ chuyên môn) đã từ chối cấp, khiến anh Khương đau đớn trải qua một đêm thức trắng, viết nhật ký của cha con 18 năm qua trên Facebook. Những dòng nhật ký này đã lay động đến cả lãnh đạo phường. Và chỉ vài ngày sau, anh Khương được thông báo lên lấy chứng nhận. Tờ giấy chứng nhận giúp Ái được miễn thi tốt nghiệp, chỉ phải thi những môn xét vào học đại học.
Anh Khương viết: “Tôi thiết nghĩ, nếu trước kia tôi ngừng hy vọng và buông xuôi như bao gia đình khác thì con tôi sẽ câm điếc mất và không có được ngày hôm nay. Nhưng giờ này bé giao tiếp tốt cũng nhờ một phần nỗ lực không ngừng của bé. Mỗi đứa trẻ được hạ sinh trên thế gian đều là một thiên thần... Quan trọng nhất là cha mẹ phải luôn sát cánh cùng con”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.