(TNTS) Ngay từ bé, con trẻ đã bị gieo suy nghĩ về tầm quan trọng của các kỳ thi. Và thời điểm này, mức độ cạnh tranh của kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2015-2016 càng trở nên gay gắt, khốc liệt hơn đối với lứa học sinh “rồng vàng” sinh năm 2000.
Ảnh: Shutterstock
|
Năm 2000 (Canh Thìn) được cho là năm đẹp nên rất nhiều gia đình chọn để sinh con với niềm tin con mình sẽ gặp nhiều thành công trong cuộc sống và thành đạt... như rồng vàng. Đó là lý do tỷ lệ trẻ em ra đời năm 2000 tăng đột biến. Và hệ quả là lứa học sinh “rồng vàng” đã luôn phải cạnh tranh vất vả trong những kỳ thi đầu cấp.
Khi phải gánh chịu quá nhiều áp lực từ thi cử, học sinh trở nên căng thẳng, mệt mỏi, dễ dẫn đến sụp đổ về tinh thần. Thậm chí đã có những trường hợp tự tử do căng thẳng thi cử mà không được gia đình phát hiện kịp thời.
Trong vấn đề này, bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp con trẻ vượt qua áp lực của thi cử bằng những cách sau đây.
1. Giúp con trong việc học tập: Dạy con học, cùng con xử lý những đề bài hóc búa nếu có thể, giúp con lấy lại căn bản những môn học bị hổng kiến thức... Nếu không thể học cùng con, chí ít bố mẹ cũng nên bố trí một không gian học yên tĩnh và thuận lợi cho con trẻ.
2. Sắp xếp để mọi việc dễ dàng hơn với trẻ: Trong thời gian trẻ phải trải qua các kỳ thi, không giao cho trẻ quá nhiều việc nhà. Đặc biệt trong thời điểm thi cử, tránh những cuộc nói chuyện mang tính tranh luận có thể làm tăng những suy nghĩ tiêu cực ở trẻ.
3. Giúp trẻ lên kế hoạch ôn thi: Nếu bố mẹ không tự tin trong việc này, hãy gặp giáo viên của trẻ để cùng lên kế hoạch ôn thi, sao cho trong lịch học vẫn có lịch nghỉ ngơi phù hợp. Và sau đó cần theo dõi để đảm bảo con trẻ học tập theo đúng lịch đã lập ra.
4. Đảm bảo trẻ không cường điệu quá mức chuyện thi cử: Khi trẻ cảm thấy áp lực về chuyện thi cử, chúng sẽ bắt đầu học tập quá mức. Bố mẹ cần đảm bảo trẻ học tập theo lịch, nhưng không phải là học “điên cuồng” đến mức từ bỏ hết mọi thứ khác trong cuộc sống, kể cả thời gian ngủ, nghỉ ngơi.
5. Đảm bảo trẻ được hít thở không khí trong lành: Nhắc nhở trẻ ra ngoài, thay vì cứ ru rú trong phòng để “gạo” bài. Không khí trong lành và ánh nắng mặt trời giúp trẻ đối mặt tốt hơn với áp lực thi cử, giúp trí óc trẻ trở nên tươi mới, minh mẫn hơn.
6. Đảm bảo trẻ vận động đủ: Khi một người cứ ngồi suốt và chỉ học với làm bài tập trong một thời gian dài, cơ thể sẽ bắt đầu trở nên lờ đờ, tinh thần dễ nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Do đó, vai trò của bố mẹ là phải làm sao giúp con vừa học tập đúng lịch, vừa có thời gian vận động, tập luyện thể dục hoặc chơi một môn thể thao yêu thích. Khi vận động, cơ thể giải phóng endorphin giúp trẻ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, và như thế trẻ sẽ xử lý áp lực thi cử tốt hơn.
7. Bữa ăn đủ chất: Đảm bảo trẻ được ăn uống đủ chất, cân bằng, bổ sung vitamin và ăn ít nhất là ba bữa mỗi ngày, không bỏ bữa, giúp trẻ có đủ năng lượng và sức lực để học tập.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ bị áp lực thi cử quá lâu mà chúng cố giấu nên bố mẹ không nhận biết sớm được. Khi đó, bố mẹ và con cần đến gặp các chuyên gia tư vấn tâm lý để được giúp đỡ.
Bình luận (0)