Hành trình theo bước chân những người anh hùng: Mang quê hương đến cho đồng đội

23/07/2017 10:02 GMT+7

Những đồng đội hy sinh chưa tìm thấy mộ luôn là nỗi đau trong lòng những người lính Trường Sơn năm xưa.

Thời chiến họ từng nhắc nhau rằng, nếu ai đó hy sinh thì người còn sống hãy gắng đưa thi thể về với quê hương xứ sở. Nhưng kể cả khi đất nước im tiếng súng, nhiều lời nguyện ước đó vẫn chưa thành...
“Mấy chục năm rồi các bạn ơi, giờ đây tớ mới vào được”
Cứ đến tháng 7, các cựu chiến binh Trung đoàn 27 Triệu Hải (nguyên là Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) năm xưa từ mọi miền Tổ quốc lại kết nối để cùng tham gia hành trình “Đưa quê hương vào cho đồng đội”. Nơi họ muốn quay về là vùng nắng gió Quảng Trị.
Những người trở về sau muôn ngàn cửa tử trong chiến tranh khốc liệt đã nhiều lần quay lại chiến trường xưa để đi tìm đồng đội giữa bạt ngàn núi đồi, rừng rú. Dù có người tuổi cao sức yếu, mỗi khi xách ba lô lên đường lại nghĩ đây sẽ là lần cuối vào với đồng đội...
Cánh rừng tràm ở xã Cam Thành (H.Cam Lộ) như bừng tỉnh sau giấc ngủ dài bởi sắc xanh của gần 500 chiếc áo lính. Mọi người mắc võng, sắp xếp tư trang theo đúng vị trí quy định, rồi cùng ngồi chuyện trò, đàn hát… Đến giờ ăn, họ bày biện những suất cơm hộp ngay ngắn trên thảm lá tràm khô, rồi cùng thắp hương khấn mời đồng đội về dùng bữa. Không gian dường như ngưng đọng, chỉ những giọt nước mắt tuôn trào trên những gương mặt phong sương...
Hành trình theo bước chân những người anh hùng: Mang quê hương đến cho đồng đội 1Về với đồng đội, những cựu binh cất cao giọng hát tặng bạn bè mình
Cựu binh Lê Bá Dương, người được xem là “chủ công” trong việc tổ chức hành trình, thổ lộ rằng trong khói lửa chiến tranh, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội nơi góc rừng, bờ suối trên đất mẹ Quảng Trị, ông và đồng đội luôn tự hứa: “Chờ khi hòa bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm, đưa anh em về với gia đình, quê hương”. Nhưng khi hòa bình lập lại, ông mới nhận ra thật khó để đưa hết đồng đội về quê cũ. Nên thay vào đó, ông và những người đang sống làm một hành trình: mang quê hương vào cho đồng đội.
Còn nhớ năm 2009, PV Thanh Niên được tham gia chuyến làm "ấm rừng đồng đội" đầu tiên của những cựu chiến binh ở cao điểm Hồ Khê - Đá Bạc (H.Cam Lộ). Ngày đó, họ đã vận động được một số tiền để xây khu lăng bia ghi danh 13 liệt sĩ hy sinh tại cao điểm này.
Con đường đất đỏ mịt mù dẫn đến một khu tưởng niệm nhỏ được đặt ngay giữa rừng. Nhiều người đã không chờ xe dừng hẳn mà vội vàng nhảy xuống, chạy thật nhanh đến để “nhìn” đồng đội. “Thế mà đã mấy chục năm rồi các bạn ơi, giờ đây tớ mới vào được, tớ có lỗi...”, cựu binh Trung đoàn 27 Triệu Hải, ông Nguyễn Thanh Tùng gạt vội những giọt nước mắt lăn dài.
Ông Nguyễn Minh Kỳ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người đã từng được mệnh danh là “hùm xám Đường 9” và có công rất lớn trong công trình tưởng niệm này, nói với chúng tôi: “Bỏ bao nhiêu công sức để tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm ra đồng đội, dẫu chưa phải là tất cả nhưng cũng đã làm cho chúng tôi nhẹ lòng bớt phần nào...”.
Trong hành trình đầy ý nghĩa này, những cựu binh đã không đi một mình mà họ còn đưa cả thân nhân 13 liệt sĩ cùng vào. Hình ảnh những người mẹ già quấn khăn tang, những đứa em, những người vợ mắt đỏ hoe dìu nhau vào khu tưởng niệm đã làm rất nhiều người xúc động. Họ lần dò tìm tên người thân trên tấm bia đá và rồi đứng đó, chẳng muốn rời đi.
Cụ Nguyễn Thị Lý (75 tuổi, vợ liệt sĩ Ngô Đức Hạt) lặn lội từ Phú Thọ để vào đây thắp cho chồng một nén hương rồi chỉ biết úp mặt vào lưng người con trai cũng đang run lên theo tiếng nấc: “Ông ơi, tôi đem cả cây na, cả nước ở giếng làng mình vào cho ông đây này. Ở đây mấy chục năm rồi, chắc ông thèm mấy thứ ở quê lắm ông nhỉ?”.
Các anh vẫn có trong trái tim cả nước
Theo cựu binh Lê Bá Dương, cứ mỗi hành trình, những người lính già lại mang vào cho đồng đội rất nhiều “quà quê”. Đó là những nắm đất được lấy từ Hoàng thành Thăng Long, đỉnh núi Chung (Nam Đàn, Nghệ An), vườn trầu Bà Điểm (TP.HCM), hay nước lấy tại hồ Gươm, sông Lam, sông Sài Gòn rồi hòa lại với nhau ngay trên chính mảnh đất này như muốn nói rằng: Dù các anh nằm lại nơi đây nhưng các anh vẫn có trong trái tim cả nước.
Chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” hoàn toàn khác với tour du lịch thăm lại chiến trường xưa, nhưng ngày càng vững bền như tình đồng đội. Những đồng đội năm xưa đã nắm lấy tay cựu chiến binh Lê Bá Dương cùng nhau "kết" thành đội hình hành hương đầu tiên vào năm 2009.
Qua chuyến hành hương thứ 2 vào tháng 7.2010, đoàn có 443 thành viên. Chuyến hành hương thứ 3 (giữa năm 2012), "quân số" đã lên đến 684 thành viên. Chuyến hành hương thứ 4 (năm 2014), đoàn có 518 thành viên, trong đó cựu chiến binh trẻ nhất cũng đã 62 tuổi, lớn nhất 84 tuổi. Và lần trở lại mới đây, gần 500 người đã quay về với vùng đất lửa.
... Đêm, tất cả móc võng để ngủ lại giữa rừng cùng với đồng đội. Sương lạnh từ núi đồi tràn về nhưng lòng người thì ấm. Họ muốn có một đêm để sưởi ấm cho nhau, nhắc về “hút thuốc nửa điếu, ăn trong đạn, ngủ trong bom”... Cánh võng cứ đưa, lá rừng xào xạc. Đâu đó, ai ngâm lên câu thơ da diết: “Anh ngã xuống cho cây ngàn xanh mãi/Hỡi những linh hồn nằm lại giữa Trường Sơn/Mỗi lá cành là một giọt máu các anh/Xin được dâng nén hương thêm ấm rừng đồng đội...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.