'Hô biến' băng dính, sáp... thành tranh

14/01/2016 05:15 GMT+7

Chỉ với những chất liệu thân thuộc như: băng dính, cà phê, tương ớt... Lê Hoàng Vũ và Trần Hoàng Đức có thể tạo nên những bức tranh vô cùng độc đáo.

Chỉ với những chất liệu thân thuộc như: băng dính, cà phê, tương ớt... Lê Hoàng Vũ và Trần Hoàng Đức có thể tạo nên những bức tranh vô cùng độc đáo.

Vũ bên tác phẩm bằng băng dính - Ảnh: N.VVũ bên tác phẩm bằng băng dính - Ảnh: N.V
Tranh vẽ bằng băng dính
Nhiều người sững sờ với những tác phẩm tranh vẽ bằng băng dính đẹp như thật của chàng trai 18 tuổi, Lê Hoàng Vũ (Hóc Môn, TP.HCM).
Theo Vũ, vẽ tranh bằng băng dính hiện nay ở VN rất hiếm. Để vẽ được tranh này đòi hỏi phải có sự kiên trì. Độ khó và sự độc lạ của thể loại tranh này đã thôi thúc Vũ. Chỉ trong vòng 2 tuần theo học, với tài năng thiên phú, Vũ đã thành công với kiểu vẽ độc đáo này.
Bắt đầu bằng việc vẽ phác họa những đường nét cơ bản lên mặt một tấm kính trong suốt, sau đó Vũ dán các lớp băng dính lên mặt kính để tạo thành những mảng màu nhất định. Những chỗ nào cần màu đậm, Vũ sẽ dán chồng nhiều lớp băng dính lên nhau. Yếu tố quyết định đến sự thành công của thể loại tranh này chính là ánh sáng mặt trời. “Khi ánh sáng chiếu qua băng dính sẽ tạo ra độ sáng. Chỗ nào dán nhiều lớp băng dính, chỗ đó ánh sáng sẽ bị chặn lại vì thế mà bức tranh sẽ có được nhiều sắc độ khác nhau. Đặc biệt, ánh sáng phía sau phải mạnh hơn phía trước, hình nổi lên sẽ đẹp hơn”, Vũ nói.
Chính vì sự quan trọng của ánh sáng mặt trời nên mỗi lần thực hiện một tác phẩm, Vũ phải ngồi ngoài nắng và thường chọn thời điểm từ 12 đến 16 giờ.
Cũng theo Vũ, khó khăn lớn nhất cho một chân dung là con mắt và cái miệng vì đây là cái hồn của một bức chân dung. Nếu dùng cọ vẽ thì sẽ đơn giản hơn nhiều nhưng việc dùng băng dính để tạo được một con mắt có hồn là điều vô cùng khó. Nhiều khi sai một chi tiết là tháo cả khuôn mặt. Tháo ra là phải ngồi suốt mấy giờ liền để cạo hết lớp băng dính còn sót lại trên kính.
Điều đặc biệt hơn của thể loại tranh này là có thể xem được ở cả hai mặt. Nếu mặt nào ánh sáng mạnh hơn thì có thể xem được tranh ở mặt ngược lại. Vũ cho hay, nếu muốn treo thể loại tranh này trong nhà thì phải đóng khung và lắp bóng đèn bên trong.
'Hô biến' băng dính, sáp... thành tranh 2Đức đang thực hiện tác phẩm bằng chất liệu nến
Anh chàng “đa chất liệu”
Đây là biệt danh mà bạn bè đặt cho Trần Hoàng Đức, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Chàng trai này có biệt tài sáng tạo mọi chất liệu xung quanh để vẽ tranh như: nến, hạt mồng tơi, cà phê, quả dâu tằm...
Theo Đức, bất cứ chất liệu gì cũng có thể sáng tạo để vẽ miễn là tạo được màu. Bắt đầu từ hạt mồng tơi trong vườn của chủ nhà trọ, vô tình Đức hái thì màu hạt mồng tơi dính vào áo trắng, Đức thấy màu đẹp và nghĩ sao không dùng màu của hạt này để vẽ. Hay có lần nhìn thấy những tàn thuốc lá rơi trên mảng giấy trắng, tạo thành vệt màu xám bạc, Đức nghĩ ngay đến việc dùng màu của tàn thuốc để vẽ thành một bức tranh về đề tài phòng, chống tác hại của thuốc lá...
Cứ từ những lần vô tình như vậy, đến giờ Đức đã sở hữu trên 30 bức tranh với từng chất liệu khác nhau.
Với mỗi chất liệu sẽ có những cách để thể hiện bức tranh khác nhau. “Như với hạt mồng tơi, trước khi vẽ cần dựng một hình tổng thể bằng chì, sau đó nghiền hạt đó ra thành nước, rồi dùng cọ để vẽ. Cọ sẽ giúp mình linh hoạt hơn, dễ điều khiển lượng màu hơn. Nếu chỗ nào đậm thì dùng màu nguyên chất, còn chỗ nào nhạt thì pha thêm một ít nước cho loãng màu”, Đức chia sẻ.
Trong tất cả những chất liệu đã thực hiện, Đức thấy khó thể hiện nhất là nến vì “vừa đốt cho nến cháy để sáp của nến rỏ xuống giấy vừa phải điều khiển sao cho sáp đi đúng theo hình khối đã tạo. Với chất liệu này đòi hỏi phải thật nhanh tay vì trong vòng 1 - 2 phút là sáp nến đã khô cứng lại”, Đức nói.
Tuy nhiên, Đức cũng khẳng định: “Việc sử dụng những chất liệu trong tự nhiên để vẽ sẽ khó hơn rất nhiều so với chất liệu truyền thống thông thường. Thứ nhất là việc điều khiển màu sắc và sắc độ đậm nhạt của từng chất liệu sao cho bức tranh hài hòa, độ chuyển màu của mỗi chất liệu cũng khác nhau. Thứ hai là việc bảo quản tranh rất khó vì những chất liệu này chỉ lấy từ tự nhiên và không được qua sơ chế”.
Để bảo quản được tranh lâu dài, không phai màu hay côn trùng phá hoại (với những chất liệu có mùi), Đức sử dụng chất bảo quản chuyên dụng để xịt lên từng bức tranh sau khi đã hoàn thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.