Những đứa trẻ sớm phải mưu sinh bằng việc bán hàng rong tại Sa Pa - Ảnh: T.Hằng |
Mỗi khi có xe du lịch đỗ xịch xuống ngã ba rẽ vào điểm du lịch Lao Chải, ngay lập tức có tới hàng chục đứa trẻ lớn bé túa ra chào mời du khách mua hàng lưu niệm bằng đủ các thứ tiếng. Mặc cho khách từ chối mua hàng, bọn trẻ vẫn bám gót lẵng nhẵng theo đuôi không rời nửa bước.
Tôi hỏi: “Vì sao em không đi học?”. Giàng Thị Và, học sinh lớp 3 Trường tiểu học Lao Chải vừa địu em nhỏ sau lưng vừa lí nhí: “Cuối năm đông khách, mẹ bảo em nghỉ một buổi ở nhà đi bán hàng. Nhưng thỉnh thoảng em mới nghỉ một hôm thôi”. Nói rồi, Và lại nài nỉ: “Chị mua túi thổ cẩm giúp em đi hay mua kèn môi nhé, chỉ 80.000 đồng thôi mà”.
Không có tuổi thơ, nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu đẩy nhiều đứa trẻ ở Sa Pa phải lao động sớm. Ngoài lao động để nuôi sống bản thân, nhiều em trong số đó buộc phải làm việc để nuôi sống gia đình. Học hết lớp 7, cha mẹ bắt Giàng Thị Dung ở xã Lao Chải phải lấy chồng nếu không tự làm, tự ăn, bố mẹ không nuôi nữa. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cô bé 14 tuổi đã có một đứa con trai 11 tháng tuổi và phải cáng đáng hết công việc nhà.
Theo Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lao Chải Phạm Minh Võ, tỷ lệ học sinh đi bán hàng rong rất đông. Các em đều là lao động chính trong gia đình nên một buổi đi học, buổi còn lại ở nhà bán hàng. Ông Võ cho biết: “Nhà trường tổ chức lồng tuyên truyền về quyền trẻ em vào sáng thứ hai hằng tuần và giờ giáo dục công dân. Bên cạnh đó, hằng tháng các giáo viên còn đến các thôn, thăm các gia đình tuyên truyền cho các phụ huynh nhận thức về quyền trẻ em và lợi ích của việc đi học”.
Thừa nhận tình trạng trẻ em bán hàng rong vẫn còn tồn tại nhưng ông Nguyễn Ngọc Hinh, Phó chủ tịch H.Sa Pa cho hay, so với cách đây vài năm, hiện tượng này đã giảm đáng kể. “Trước đây trẻ em theo mẹ bán hàng rong phổ biến ở thị trấn Sa Pa. Đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh những mẹ dẫn theo đến 2 - 3 đứa trẻ. Bây giờ trẻ em bán hàng rong giảm nhiều, chỉ tập trung ở các điểm dừng chân của khách du lịch và các bản du lịch, chứ ở thị trấn không còn”.
Theo ông Hinh, sở dĩ có sự thay đổi này là nhờ chương trình hành động phòng, chống và xóa bỏ lao động trẻ em tỉnh Lào Cai được thực hiện thí điểm ở Sa Pa do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tài trợ. Chương trình tập trung vào nâng cao nhận thức về vấn đề lao động trẻ em cho khoảng 600 em dưới 18 tuổi có nguy cơ phải tham gia lao động ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch và các ngành nghề nguy hiểm.
Thu Hằng
>> Mưu sinh quá nguy hiểm
>> Tê tái mưu sinh trong đêm rét buốt
>> Video clip: Người chuyển giới nhọc nhằn mưu sinh
>> Mưu sinh bằng nghề soi nhái
>> Gặp nạn... dọc đường mưu sinh
>> Mưu sinh mùa lũ
>> Mưu sinh trên hồ Phước Hòa
>> Cơ cực mưu sinh với nghề "đổ máu
>> Mưu sinh nhờ hổ hèo
>> Mưu sinh cùng... thuốc độc
Bình luận (0)