Học trò chế tạo máy cấy lúa điều khiển từ xa

Thu Hằng
Thu Hằng
24/11/2019 08:07 GMT+7

Với mong muốn giúp người nông dân đỡ vất vả, Nguyễn Đức Dương, học sinh lớp 8, Trường THCS Tân Dân, H.Yên Dũng (Bắc Giang) nảy ra ý tưởng chế tạo máy cấy lúa điều khiển từ xa có công suất bằng 6 người làm thủ công.

Học giỏi các môn tự nhiên, đặc biệt là toán và lý nên Dương có một số thuận lợi. Tuy nhiên, để biến ý tưởng thành mô hình máy cấy lúa điều khiển từ xa không phải dễ, ngoài kiến thức trong sách vở, Dương còn nghiên cứu tài liệu trên mạng.
“Em được nhà trường hỗ trợ kinh phí, số tiền không nhiều nên em phải vừa làm, vừa cân đối tiết kiệm. Ban đầu, sản phẩm chưa được đồng bộ, các ổ khớp nối trục trặc liên tục. Sau đó được thầy dạy vật lý góp ý, tư vấn thêm, sản phẩm ban đầu vận hành thủ công đã được nâng cấp thêm bộ điều khiển từ xa”, Dương chia sẻ.
Sau 6 tháng mày mò nghiên cứu, với sự giúp đỡ của thầy giáo Nguyễn Đức Quỳnh, cậu học trò đã hoàn thiện sản phẩm. Máy cấy lúa  điều khiển từ xa làm bằng sắt gồm các bộ phận: khung máy, bàn trượt, dàn đựng mạ, hệ thống truyền động, tay cấy… Kết cấu máy vững chắc, thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, trọng lượng từ 22 - 23 kg, dễ di chuyển ở mọi địa hình. Nguyên vật liệu làm ra mô hình gồm động cơ điện 1 chiều, bình ắc quy 12V, bộ điều khiển và điều khiển từ xa.
Dương cho biết: “Nguyên tắc hoạt động của máy cấy lúa là dùng động cơ điện 1 chiều. Sau khi cho mạ vào khay, người điều khiển có thể sử dụng bộ điều kiển từ xa hoặc điện thoại di động cài phần mềm Blynk điều khiển máy trượt trên mặt ruộng, đồng thời điều khiển motor gắn với giàn mổ, kéo giàn mổ lên xuống, lực từ cần điều khiển tác động đến 2 tay cùng cấy một lúc. Lực này đồng thời truyền qua thanh truyền động, đưa vào hệ thống biến đổi chuyển động lên xuống thành chuyển động ngang cho giàn đựng mạ. Thanh ép mạ để ép bùn vào gốc mạ giúp mạ đứng thẳng không bị nổi lên mặt nước”.
Khi đưa ra thử nghiệm trên cánh đồng xã Tân An (H.Yên Dũng), nhiều người dân bất ngờ, khen ngợi ý tưởng của cậu học trò Nguyễn Đức Dương. Theo tính toán của thầy trò, 1 phút máy cấy được 120 khóm, 1 giờ cấy được 180 m2 (tức 0,5 sào Bắc bộ). Mỗi chu kỳ lên xuống của giàn mạ là 1 giây, mỗi lần cấy được 2 khóm cùng một lúc, mật độ hàng cách hàng 200 - 230 mm. Phần ruộng sử dụng cấy lúa, mạ phát triển tốt, vụ lúa vừa rồi thu hoạch năng suất không kém gì các ruộng bên cạnh.
Giá thành 10 triệu đồng/chiếc, bằng 1/20 so với các loại máy lớn nhập ngoại trên thị trường. Máy vận hành nhẹ nhàng không tốn nhiều sức lao động, công suất này bằng 6 người cấy thủ công. Đáng chú ý, máy không dùng nhiên liệu nên rất thân thiện môi trường, tiết kiệm đáng kể chi phí cho nông dân. Các chi tiết của máy đơn giản, dễ thay thế phụ tùng khi hỏng, thuận lợi trong quá trình bảo trì.
Thầy giáo Nguyễn Đức Quỳnh chia sẻ: “Ý tưởng của Dương rất hay và sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao trong thực tế. Trên thị trường đã có một số loại máy cấy nhập ngoại giá từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng nhưng cơ chế hoạt động vẫn phải nhờ lực của con người tác động. Sản phẩm giá thành cao, người nông dân khó có điều kiện để trang bị, hơn nữa, ruộng ở ngoài bắc chia thành thửa, diện tích bé, trong khi các loại máy có công suất lớn chỉ phù hợp với cánh đồng mẫu lớn phía nam. Sản phẩm của Dương có ưu điểm sử dụng động cơ điện, gắn điều khiển từ xa hoặc sử dụng điện thoại thông minh thay thế lao động thủ công. Người nông dân đi cấy không phải lội xuống ruộng, đứng trên bờ vẫn điều khiển được các thao tác cấy lúa, vừa giảm bớt vất vả cho người nông dân, vừa giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và tăng năng suất lao động”.
Tại lễ trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc vừa được tổ chức, sản phẩm máy cấy lúa của Dương đã đoạt giải ba.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.