Khởi nghiệp từ đặc sản quê hương

Lê Thanh
Lê Thanh
18/11/2018 10:10 GMT+7

Không muốn đi theo lối mòn theo kiểu ra trường vác đơn đi xin việc, Nguyễn Đình Chính (27 tuổi) đã chọn cho mình một lối đi riêng.

Nguyễn Đình Chính quê ở Bình Định, tốt nghiệp chuyên ngành điện - điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM năm 2013. Khi vừa làm đồ án tốt nghiệp xong, chờ nhận bằng, Chính đã xác định khởi nghiệp luôn. Theo Chính, khởi nghiệp sẽ giúp bản thân thấy được cách tạo ra được tiền không nhất thiết phải đi xin việc với mức lương ba cọc ba đồng khi ra trường.
Thế là chàng trai này chọn lối đi riêng bằng cách kinh doanh các món ăn đặc sản quê hương, vì theo Chính nhận thấy, “ẩm thực là lĩnh vực kinh doanh rất sôi động tại TP.HCM”. Sau khi trình bày về ý tưởng và thuyết phục được thầy hướng dẫn làm đồ án tốt nghiệp, Chính được thầy đồng ý rót vốn 38 triệu đồng để đầu tư chuẩn bị mở tiệm bánh cuốn.
Có được nguồn vốn trong tay, Chính trở về Bình Định, tìm người dạy cách chế biến món bánh cuốn Tây Sơn. “Ở quê mình, gần như nhà nào cũng biết làm món này, nhưng chỉ có một số người thành danh. Mình đã tìm đến một người bán bánh cuốn ngon có tiếng tại địa phương để xin được học hỏi. Mình nhớ rõ ngày đầu đặt vấn đề xin học nghề đã bị cô chủ quán bảo “thằng khùng”, sao tốt nghiệp đại học mà đòi đi bán bánh cuốn?”, Chính kể.
Học nghề được hơn 1 tháng, Chính quay lại TP.HCM thuê mặt bằng tại một con hẻm gần Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM (Q.Tân Phú) để mở tiệm bán bánh cuốn lấy tên Tây Sơn. “Với số tiền 38 triệu đồng của người thầy đầu tư, mình dùng thuê mặt bằng, sắm bàn ghế, vật dụng cần thiết... Thời gian đầu, Chính không thuê mướn ai phụ giúp, tự tay cùng một đứa em gái làm hết, từ đi chợ, chế biến, rửa chén, dọn dẹp... và vẫn thua lỗ”, Chính kể.
Nguyên nhân lỗ vốn, theo Chính là do làm theo kiểu truyền thống, tiệm lại nằm trong con hẻm nhỏ, khâu tiếp thị kém nên không ai biết bánh cuốn Tây Sơn là gì. Chỉ có những người ở gần đó lâu lâu đến ăn ủng hộ.
Chính cho biết quán hoạt động được 7 tháng thì không thể cầm cự nổi và đã giải tán. “Tết năm đó phải mượn tiền để về xe, nợ nần tùm lum nên cảm giác kinh khủng lắm”, Chính nhớ lại.
Sau lần thất bại đó, Chính tâm sự: “Mình đi làm một công việc khác để lấy ngắn nuôi dài. Sau khi tích được vốn, mình trở lại với con đường kinh doanh, thuê mặt bằng trên đường Phạm Văn Đồng, Q.Gò Vấp, TP.HCM tiếp tục mở quán bánh cuốn Tây Sơn. Bánh có hình thức giống như món gỏi cuốn quen thuộc nhưng khá to, gần bằng một ổ bánh mì ngọt, phần nhân được làm từ đa dạng các nguyên liệu như: chả ram, thịt nướng, bò nướng lá lốt, nem chua, trứng luộc, dưa leo, rau sống... ăn kèm với nước chấm đặc biệt theo công thức riêng của quán”.
Ngoài món bánh cuốn, Chính còn bán thêm các món đặc sản Bình Định như: tré, chả bò, chả heo, nem, bánh tráng, chả ram tôm đất... Ít bữa nữa, bên em mở rộng bán thêm bánh tráng mè, bánh tráng dừa, các loại bánh ít để khách có thể mua thưởng thức và làm quà.
Ngoài việc chú trọng về chất lượng, để gây ấn tượng cho khách, bản thân Chính và nhân viên của quán mặc trang phục áo lính Tây Sơn, trang phục gắn liền với lịch sử quê hương khi phục vụ để khách luôn nhớ đến quán qua trang phục, món ăn, phong cách khác biệt.
Doanh thu của Chính có tháng lên đến 460 triệu đồng và lợi nhuận trung bình mỗi tháng khoảng 100 triệu đồng. “Do mình chưa có lời nhiều, vì đang trong thời gian phát triển nên phải chi đủ thứ, chứ một hai năm nữa, khi hình thành chuỗi cung ứng thì lợi nhuận mỗi tháng sẽ tăng lên rất nhiều”, Chính bật mí.
Chính kỳ vọng: “Mục tiêu của mình là xây dựng được chuỗi cung ứng đặc sản quê hương Bình Định tại TP.HCM, nên đang từng bước mở thêm chi nhánh để hoàn thành mục tiêu. Làm sao cái thứ nhất mở ra, rồi mình đóng gói lại quy trình để cái thứ hai mở ra vẫn hoạt động tốt như cái thứ nhất và cứ thế phát triển đi lên. Khi nào làm được ở các chi nhánh, mình sẽ kêu gọi đầu tư để có chuỗi cung ứng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.