Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

13/11/2017 10:11 GMT+7

Từ 2 bàn tay trắng, Nguyễn Văn Năm (31 tuổi, ngụ ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, H.Tân Châu, Tây Ninh) hiện là ông chủ nhỏ tại trại nuôi ba ba thương phẩm với hơn 4.000 con, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

Quê ở tận Đồng Tháp, Năm sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em với khó khăn đủ bề. Cha mất sớm, gia đình Năm càng khó khăn hơn khi các anh chị em đều phải bỏ học giữa chừng để theo mẹ đến vùng biên giới giáp Campuchia (ấp Cây Khế, xã Tân Hoà, H.Tân Châu, Tây Ninh) để sinh sống. Tại đây, Năm cùng các anh chị phải lao vào cuộc mưu sinh với đủ nghề làm thuê làm mướn.
Thấy cuộc sống gia đình bấp bênh, lúc 22 tuổi, Năm quyết tâm xin mẹ cho ra TP.Tây Ninh học nghề sửa chữa xe máy. Sau 2 năm vừa học vừa đi làm mướn, Năm về nhà vay mượn được một ít tiền mua đồ nghề, bắt đầu mở tiệm. Ban đầu sửa xe cho hàng xóm, dần dần, thấy Năm sửa "cứng nghề" nên người này truyền miệng người kia, cứ vậy khách đến đông dần. Mỗi ngày Năm kiếm được hơn 100.000 đồng, cuộc sống gia đình dần ổn định, trả được nợ và bắt đầu có dư.
Đổi đời nhờ nuôi ba ba
Năm 2012, thấy người dân ven hồ Dầu Tiếng phát lên nhờ nghề ba ba thịt, sẵn có dư được gần 6 triệu đồng Năm đầu tư xây 2 hồ nuôi và mua được 400 ba ba con làm giống.

tin liên quan

Chàng trai vùng biên nuôi ba ba khởi nghiệp từ tay trắng
Khởi nghiệp chỉ 2 bàn tay trắng Nguyễn Văn Năm, 31 tuổi, ở ấp Cây Khế, xã Tân Hòa, H.Tân Châu, Tây Ninh trở thành ông chủ nhỏ tại khu trại nuôi ba ba thương phẩm với hơn 4.000 con, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. 
Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên ba ba chết nhiều. Thời điểm này, giá ba ba xuống thấp khiến Năm chán nản, muốn bỏ cuộc. Kiên trì bám trụ học hỏi, Năm bắt đầu lại từ những con ba ba còn sống sót, vài năm sau đó, giá tăng Năm xuất bán lời được hơn chục triệu đồng. Có chút vốn, Năm vay thêm hơn 20 triệu đồng để xây thêm hồ và mua con giống. Hiện, Năm đã có 10 hồ nuôi với 200 con ba ba giống đang sinh sản, hơn 1.000 con ba ba thịt đang xuất bán và trên 3.000 con b aba 4 tháng tuổi.
Nhờ ít tốn công chăm sóc nên phần lớn thời gian rảnh Năm đi đánh bắt cá trong lòng hồ Dầu Tiếng làm thức ăn cho ba ba. Năm cho biết: "Với 4.000 con này, mỗi ngày nếu mua thức ăn phải tốn 500.000 đồng. Tuy nhiên, tận dụng nguồn thuỷ sản dồi dào ở hồ làm thức ăn nên chi phí giảm đáng kể". Hiện giá ba ba trên thị trường hiện dao động từ 200.000 - 280.000 đồng/kg. Theo Năm, nếu nuôi đạt kết quả tốt, cứ khoảng 1.000 con ba ba giống cùng chi phí thức ăn khoảng 50 triệu đồng, sau 6-8 tháng xuất bán Năm thu về được trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, nhờ học được cách nuôi ba ba sinh sản, cách ấp Năm đã tạo ra nguồn giống tốt cho mình và cung cấp cho người dân địa phương.
Anh Lê Đức Duy, Bí thư xã Đoàn Tân Hoà, H.Tân Châu (Tây Ninh), cho biết do vùng này có địa hình thuận lợi cho nghề nuôi ba ba từ nguồn nguyên liệu thức ăn, nguồn nước và nguồn ba ba giống phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu nên sinh trưởng rất tốt. Cùng với đó là giá ba ba ổn định từ năm 2015 đến nay tạo điều kiện giúp thanh niên vùng biên giới phát triển sản xuất.
Riêng Năm, từ việc vượt khó vươn lên xứng đáng là tấm gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Đồng thời, Năm còn làm tổ phó Tổ hợp tác chăn nuôi ba ba do xã đoàn quản lý (từ 8 thành viên ban đầu lên 15 thành viên) và thành viên tích cực thuộc CLB Khởi nghiệp H.Tân Châu. Nhờ đó, mô hình giúp đỡ được nhiều đoàn viên thanh niên học tập, chăn nuôi, sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.