Khi tôi đến gặp Rát, cô vẫn đang mải mê xem xét các dự án cho người khuyết tật. Cô dùng đốt ngón tay thực hiện các thao tác trên máy tính một cách thành thục từ điều khiển chuột đến gõ bàn phím. Rát mang lại ấn tượng hình ảnh một cô gái tươi trẻ, độc lập với nguồn năng lượng tích cực.
'Ở nhà là tự biến mình thành người vô dụng'
Sinh ra ở vùng quê nghèo ở tỉnh Ninh Thuận, Phan Thị Rát và hai chị em gái không may bị di truyền bệnh từ cha. Căn bệnh khiến hệ thần kinh cảm giác của ba chị em bị suy giảm theo thời gian. Rát nhớ như in ngày cả nhà phát hiện dấu hiệu bệnh ở chị gái khi chị không thể mang dép được, mang vào cứ bị trượt ra và chân bị cong lại. Ngày ấy cả gia đình chỉ nghĩ chị gái Rát bị yếu cơ nhưng cơ thể chị cứ yếu đi. Lâu dần, chị không thể đứng dậy hoặc cầm nắm.
Lúc nhỏ Rát chạy nhảy vui đùa cùng các bạn bình thường làm gia đình cô không khỏi mừng thầm. Đến 5 tuổi cơ thể có sự khác biệt, việc đi đứng trở nên khó khăn hơn với cô.
Khiếm khuyết so với chúng bạn nên Rát thường bị bạn bè ở lớp trêu chọc. “Các bạn thường chọc ghẹo rồi bắt chước tướng đi của mình, giận lắm nhưng không thể phản kháng”, cô nhớ lại. Rát còn chịu áp lực từ vài người thân, họ cho rằng người khuyết tật đi học đã khó khăn rồi, cô là con gái nên học không để làm gì.
tin liên quan
Nữ tiến sĩ ngồi xe lăn và... Đời Rất Đẹp !Vốn ham học, cô gái nhỏ nghe lời cha quay lại trường, quyết không để tương lai phải đi bán vé số như nhiều người khuyết tật mà cô vẫn quen thấy. Cô quyết tâm học thật giỏi để bạn bè mến phục. “Nhiều bạn ngày trước chọc ghẹo đến nhờ mình giảng bài”, đó là niềm vui lớn nhất trong thời gian đi học.
Lên THPT, Rát theo học trường ở thành phố Phan Rang cách nhà 30 km. Xa hẳn sự hỗ trợ của ba mẹ, Rát phải tự lo mọi việc từ sinh hoạt đến ăn uống. Cô cho rằng những năm THPT có ý nghĩa rất lớn vì cô tích lũy được nhiều kỹ năng và kinh nghiệm sống.
Nhưng đây cũng là giai đoạn cô sống khép kín, ít nói, chỉ “cắm đầu đi học”. Rát luôn nhạy cảm với sự chỉ trỏ và thương cảm từ mọi người. Vì vậy dù luôn muốn ra ngoài nhưng cô không thể vượt qua rào cản ngại ngùng và mặc cảm. Mong ước được đặt chân vào Sài Gòn và đi đây đó, cô chỉ cố gắng học tập thật tốt.
Sau bao nỗ lực, cô thi đỗ vào Trường đại học Mở TP.HCM. Đến với thành phố mới, Rát vẫn chưa thể cởi bỏ mặc cảm khiếm khuyết. Mỗi lần nghĩ về những vật cản như bậc thang, con dốc, Rát lại không muốn ra ngoài.
Cô tâm sự nhiều lần tự trách bản thân làm lỡ cuộc vui của bạn: “Mình lỡ thấy ai chỉ trỏ, nói năng gì đó thì mình đòi đi về, bạn mình phải về theo”. Từ đó Rát dần học cách phá bỏ rào cản của bản thân bằng cách nghĩ về những bất tiện sẽ gặp phải để tìm ra giải pháp chứ không né tránh. “Đó cũng là một cách rèn cho mình sống độc lập, tư duy tích cực để mọi người yên tâm về mình và tránh sự thương hại”, Rát bày tỏ.
|
Nỗ lực vì người yếu thế
Bản thân trải qua nhiều khó khăn do khuyết tật, Rát nuôi mong muốn giúp đỡ những bạn trẻ đang loay hoay giống cô ngày trước. Tốt nghiệp Trường đại học Mở TP.HCM với tấm bằng giỏi, hiện cô là nhân viên dự án của Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD), cố gắng gắn kết người khuyết tật với cộng đồng.
Rát mong muốn xã hội nhìn nhận người khuyết tật không phải là những cá thể yếu tay, yếu chân mà trao cơ hội để họ phát huy khả năng. Cô gái trẻ tâm đắc với một câu nói “khuyết tật là một sự bất tiện chứ không phải là bất hạnh”.
Ở DRD, Rát nhận ra nhiều người khuyết tật không tự tin nộp đơn xin việc làm vào các công ty. Đa số, người khuyết tật đều trở thành lao động phổ thông, không được trả lương xứng đáng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Vì vậy, Rát hướng đến hỗ trợ kiến thức và kỹ năng cho người khuyết tật giúp họ tự kiếm ra tiền. “Kiếm thu nhập và tự nuôi sống bản thân mang ý nghĩa rất lớn. Điều đó giúp họ tự tin, có địa vị và tiếng nói”, Rát nói.
Năm tới Rát sẽ theo học ngành doanh nghiệp xã hội thuộc học bổng toàn phần của chính phủ Úc. Cô dự định sau khi đi học về có thể xây dựng công ty chuyên giới thiệu việc làm cho người khuyết tật. Công ty này sẽ giúp người khuyết tật tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và kết nối với doanh nghiệp. Đồng thời tư vấn cách tuyển dụng người khuyết tật cho các công ty, cải tạo môi trường làm việc để người khuyết tật đi làm thuận tiện hơn. Ngoài ra, cô còn lên ý tưởng tạo việc làm cho người khuyết tật ở các vùng quê bằng việc trồng rau sạch.
Nguyễn Thị Minh Oanh, đồng nghiệp với Rát, đánh giá: “Những lúc doanh nghiệp e ngại người khuyết tật thì Rát lại cố gắng thuyết phục để doanh nghiệp cho họ cơ hội được phỏng vấn, chứng tỏ năng lực của mình”. Oanh cho rằng với Rát không gì là không thể, khi đặt mục tiêu thì Rát sẽ tìm mọi cách để đạt được.
Bình luận (0)