Lúc đó, tôi đang ở nhà anh Lự, nghe ba má tôi lên kiếm, tôi chui vô rẫy mía trốn cả tuần lễ.
Những chuyến đi để lại ấn tượng sâu sắc
Anh Hai, anh Sáu của tôi hy sinh năm 1970. Anh Ba tôi tức anh Ba Phú lúc đó đang công tác ở Huyện đoàn huyện Cái Nước cho nên nhà cũng đâu còn ai, tôi đi thanh niên xung phong năm đó mới có 15 tuổi hà, ba má cưng tôi lắm. Hồi đó ba tôi ở Bến Tre, năm 20 tuổi theo ông nội tản cư xuống Cà Mau rồi gặp má tôi. Năm 1972, tôi vào Đảng, tôi khai lý lịch, thành phần gia đình là trung nông chớ thật ra bần nông mới đúng.
Nhớ năm 1968, tôi từ Xã đoàn đi lên tới Huyện đoàn Trần Văn Thời làm lễ kết nạp Đoàn tại đó. Tôi không nhớ kỳ đó kết nạp được bao nhiêu người nhưng cũng không nhiều lắm. Kết nạp xong rồi thì có mấy anh ở Tỉnh đoàn Cà Mau đến nhận quân. Anh Tư Bay lúc đó là Liên đội 1, ảnh xuống để nhận quân cho đại đội Nguyễn Việt Khái 3. Còn tôi thì về đại đội Nguyễn Việt Khái 4 mới được thành lập.
Trung đội của tôi do anh Lê Trung làm trung đội trưởng. Chế Năm Liên với anh Thành Trung làm trung đội phó. Khi tập hợp lên Tỉnh đoàn mới thành lập liên đội, sau đó đưa qua phục vụ chiến trường lộ Vòng Cung. Tôi nhớ lúc đơn vị lên đến chỗ Thới Lai - Cờ Đỏ thì gặp mấy anh bộ đội chủ lực miền Tây là tiểu đoàn 307 - 367. Nhiệm vụ của tụi tôi lúc đó là chuyển vũ khí, đạn dược vào thành phố, chuyển thương binh tử sĩ về tuyến sau. Có trạm quân y dã chiến được thành lập để phục vụ chiến dịch.
Hoạt động ở lộ Vòng Cung được mấy tháng thì kết thúc chiến dịch. Đơn vị của tụi tôi được lệnh rút về “tuyến trên” bổ sung cho tuyến đường 1-C. Chuyến đi này đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc không thua lúc ở lộ Vòng Cung. Tôi nhớ lúc qua lộ Cái Sắn, tụi tôi lội ngang sông, mà giặc đóng ở hai bên kinh lộ. Đại đội của tụi tôi là đại đội đủ nên khá đông, vậy mà tụi tôi cũng qua được an toàn. Đến rừng tràm Hà Tiên thì địch nó đánh bứt đường, không qua được, đành phải đóng quân lại đó, chia lực lượng ra thành 2 tốp. Một tốp do anh Tư Bay dắt đi trước. Một tốp do anh Hai Tân dắt đi sau. Lần lượt tìm cách để len lỏi mà đi. Tôi nằm ở cánh của anh Hai Tân.
Tháng 6, tháng 7, mùa nước nổi mênh mông. Ban ngày máy bay phát hiện. Đêm xuống lao lách mà đi. Trên trời mưa đổ như trút nước, dưới đất nước ngập tới lưng quần, tụi tôi lội loi ngoi trong nước như bầy chuột lột, cái lạnh càng lúc càng thấm sâu vào da thịt, tê buốt đến tận tim gan, vậy mà phải chịu đựng, đi cho đến khi trời hừng sáng. Lần đó quần áo lớp lội nước, lớp bị mưa ướt hết trơn không còn đồ mặc, tụi tôi mới tranh thủ giặt phơi. Trực thăng đi lùng phát hiện, đánh tụi tôi suốt một ngày trời.[…]
Trận đó về tới nơi quần của tụi tôi chỉ còn có khúc trên, hai ống đứt mất tiêu lúc nào hổng biết. Cỏ bắc ở Hà Tiên bén như dao cạo, nó cắt tụi tôi đứt thịt đứt da (sau này tụi tôi được phát quần bằng vải ni lông dầu, vừa mau khô vừa chắc). Trận đó cánh của tụi tôi chết ba mươi sáu đứa. Đang trên đường hành quân, mà giặc nó đánh mình chạy không kịp thở làm sao chôn được. Mấy anh mới đem gài dưới nước, chặt cây tràm gài chặt xuống cho cứng để đừng nổi lên được rồi tiếp tục đi nữa, chớ đâu còn cách nào khác hơn. Anh Hai Tân có vẽ sơ đồ, nhưng tụi tôi cũng đâu có biết chỗ đó là chỗ nào, sau này mới nghe nói là kinh Tám Ngàn.
|
Biết bao mùa nước nổi, xương thịt rã hết, bị nước cuốn trôi, nên khi về tìm đâu có gặp. Tụi tôi kỳ đó đâu có đứa nào còn nước mắt đâu mà khóc. Sống chung với nhau, thương như chị em ruột thịt, nhưng thấy đó, rồi chết đó, tụi tôi như kẻ mất hồn vậy. Về tới nơi, mấy anh nam còn quần, mới cho tụi tôi mượn mặc. Chừng lên tới Campuchia rồi gặp chế Hồng Thắm, tụi tôi ôm nhau khóc quá chừng. Chế Hồng Thắm có bà con với tôi, còn chế Hồng Láng là bà con cô cậu ruột. Út Hậu là em chồng của chị hai tôi. Gặp nhau rồi không còn biết nói gì nữa, cứ khóc không. […]
Hồi lúc mới lên tôi sợ súng lắm, riết rồi quen. Mùa nước mình chở bằng xuồng, nhưng mùa khô mình phải vác đi. Vác đạn tụi tôi hay hát bài Cô gái Sài Gòn đi tải đạn trong đó có câu “Quả pháo ơi sao mà vui như đứa trẻ…”. Mình bế nó lên vai vừa đi vừa hát. Bây giờ nhớ lại sợ hết hồn. B40, B41 lỡ nó nổ một cái thì chết, vậy mà việc đó không bao giờ xảy ra đối với thanh niên xung phong.
"Không bao giờ tôi quên được"!
Năm 1970, tôi cũng được rút đi học y tá ở Đoàn 200, đến năm 1972 tôi qua A44, cơ yếu của Đoàn 192, sau đó tôi về Miền luôn. Giải phóng rồi tôi lo làm ăn, không liên hệ được với ai, đến khi họp mặt thanh niên xung phong lần đầu tiên ở Sóc Trăng gặp lại mấy anh mấy chị, tụi tôi khóc với nhau quá trời. Nhắc đến người này người kia, kẻ còn người mất, có một số hài cốt của mấy anh chị chưa tìm được, tụi tôi tủi, tụi tôi khóc với nhau. Nói chung đối với tụi tôi, những thanh niên xung phong còn sống sót được trên tuyến lửa 1-C hầu hết đều có chung một tâm trạng như nhau. Tụi tôi cứ cảm thấy như mình có tội với những đồng đội của mình đã nằm xuống.
Bây giờ tôi đang làm y sĩ tại Công ty dệt Phước Long, tôi có chồng, có được hai đứa con trai. Cháu lớn học Trường ĐH Mở TP.HCM. Ông xã tôi công tác tại Ban Kinh tế Q.3. Cuộc sống cũng gói ghém lắm, nhưng tương đối ổn định. Tuy nhiên đối với tôi, khoảng đời sống ở thanh niên xung phong luôn in đậm và sâu sắc nhất, mà có thể nói là không bao giờ tôi quên được…
Trích trong cuốn sách 1-C, Con đường huyền thoại (NXB Mũi Cà Mau - NXB Phương Đông)
Bình luận (0)