Làm gì khi bị quấy rối tình dục nơi làm việc?

Thúy Hằng
Thúy Hằng
26/07/2018 08:45 GMT+7

Một cô gái trẻ bị sếp của mình quấy rối tình dục nơi làm việc, cô từng sợ hãi và im lặng. Cuối cùng cô quyết định lên tiếng và nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

Đó là Võ Kiều Bảo Uyên, đang là phóng viên tự do. Sự lên tiếng của cô cùng những luật sư, chuyên gia về giới có mặt trong chương trình Cách ứng phó với quấy rối tình dục (QRTD) nơi làm việc cho người trẻ do SHero tổ chức, diễn ra ở Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM chiều 24.7 gây ấn tượng với đông đảo bạn trẻ tham gia.
Tiếng nói người trong cuộc
Ngồi trước mọi người, Võ Kiều Bảo Uyên bộc bạch: “Tôi không dễ chịu gì khi chia sẻ những gì đã trải qua. Tôi bị một người lãnh đạo trong cơ quan của mình thường xuyên nhắn tin, hỏi thăm, mời ăn trưa, uống cà phê… tôi từng không xem đó là QRTD. Tôi hoàn toàn không thoải mái khi nhận được những tin nhắn như vậy nhưng không thể từ chối vì đó là sếp mình. Tình hình ngày càng leo thang, anh ta cứ nhắn rủ tôi đi chơi, hoặc khi đi công tác chung, anh ta hỏi sao không ngủ cùng cho vui. Một lần, trong văn phòng chỉ có một mình tôi, anh ta đến vuốt má, vuốt tóc, tôi sợ hãi và tức giận thật sự vì mình cứ im lặng. Cho đến khi tôi chia sẻ câu chuyện với một người bạn, và nhận được lời khuyên là không thể cứ mãi như thế. Và tôi lên tiếng”.
Cũng từng trải qua những cảm giác đau khổ, sợ hãi, N.T.N.H, 26 tuổi, đang làm ở một công ty về luật tại Q.1, TP.HCM, cho hay câu chuyện của cô cách đây 2 năm và phải mất một năm trời đấu tranh dữ dội và sự động viên của một sếp nữ, cô mới dám lên tiếng. “Người QRTD tôi là một sếp trong công ty, khi tôi nói chuyện với một sếp nam khác, anh ta nói đó là chuyện bình thường, không có gì cả. Tôi nói với một sếp nữ, chị ấy đã động viên tôi lên tiếng. Một mặt, tôi luôn làm tốt công việc để chứng minh khả năng của mình. Mặt khác, tôi đối diện với người quấy rối mình và nói, anh ta đang QRTD tôi và tôi yêu cầu dừng lại. Mọi thứ đã tốt hơn, bây giờ chúng tôi vẫn làm chung, anh ta rất tôn trọng tôi”, H. nói.
Câu chuyện của Bảo Uyên hay N.T.N.H không phải là những cá biệt, khi các bạn trẻ đi làm trong các công ty, nhưng có phải ai cũng dũng cảm lên tiếng? Họ nên làm gì khi bị QRTD?
Người trẻ sẽ không đơn độc!
Theo luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, đang làm việc tại TP.HCM, hiện tại VN chưa có hành lang pháp lý quy định cụ thể như thế nào là hành vi QRTD, các bộ luật lao động cũng chưa có một quy tắc nào về QRTD nơi làm việc, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn xem QRTD là vấn đề không quá lớn, không được ghi vào nội quy lao động, do đó khi cá nhân sai phạm không thể sa thải cá nhân đó.

Theo luật sư Hậu, để giải quyết vấn đề này, người trẻ khi đến các cơ quan, công sở làm việc có thể đặt vấn đề với công đoàn, bộ phận tuyển dụng, nhân sự trong công ty để hỏi các vấn đề liên quan QRTD; đồng thời cần huấn luyện, giáo dục cho các doanh nghiệp ý thức coi trọng vấn đề QRTD để ghi rõ trong các quy tắc làm việc, nếu vi phạm sẽ có biện pháp xử lý, không thể coi đó là “chuyện đùa, ai cũng thấy vui mà, có làm sao đâu”.
Luật sư Hậu cũng khuyên các bạn trẻ, cần thu thập tất cả các chứng cứ với người quấy rối mình, để cần thiết khi có những cuộc đối chất, tuy nhiên đây cũng là việc khá khó, có thể gây ra những sang chấn tâm lý với nạn nhân rất lớn.
Bà Phan Thị Ngọc Thúy, chuyên gia về giới, quản lý quốc gia Viện Kết nối toàn cầu, cho hay khi bị QRTD tại nơi làm việc, các bạn trẻ có thể nói với công đoàn công ty, nói với trung tâm nghiên cứu giới và gia đình, có thể nói với các chuyên gia tâm lý, để nhận được lời khuyên.
Bà Thúy nhấn mạnh QRTD nơi làm việc, nhưng không phải nó chỉ diễn ra trong phòng làm việc, mà có thể là ở chuyến đi công tác bên ngoài, nơi đi thực tế; QRTD không chỉ diễn ra giữa sếp với nhân viên mà còn là nhân viên với nhân viên, nhân viên với khách hàng. Theo bà Thúy, mỗi người trẻ sẽ không đơn độc khi chống lại QRTD, giống như Bảo Uyên, khi cô lên tiếng sẽ nhận được sự chia sẻ, ủng hộ của nhiều đồng nghiệp, bạn bè, người thân khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.