Đây là những ý kiến của các đại biểu tại hội thảo chuyên đề "Phong trào hành động cách mạng - môi trường thực tiễn sinh động để bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh” do T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư và Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức chiều nay, 18.5.
Phong trào hành động cách mạng là trường học của tuổi trẻ
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, 50 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn chú trọng tổ chức các phong trào hành động cách mạng nhằm tạo môi trường thực tiễn để thanh niên rèn luyện, khẳng định mình để trưởng thành, góp phần vào quá trình đào tạo những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.
Mỗi chặng đường trong hành trình 50 năm qua, xuất phát từ thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ mỗi thời kỳ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đều phát động, tổ chức triển khai các phong trào hành động cách mạng lôi cuốn, hiệu triệu đông đảo thanh niên tham gia, như các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Sáng tạo trẻ”...
Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, 50 năm qua, phong trào hành động cách mạng của Đoàn đã trở thành đặc trưng của tuổi trẻ, là phương thức hữu hiệu để Đoàn thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”, mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên rèn luyện, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
“Thông qua các phong trào hành động cách mạng đã góp phần giáo dục, hình thành một lớp thanh niên có niềm tin, lý tưởng cách mạng, trở thành chủ thể tích cực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.
Cụ thể hóa phong trào đến từng nhóm đối tượng
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khởi nghiệp sáng tạo đang là một xu thế lớn, đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế..., anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, bối cảnh đó đặt ra yêu cầu mới đối với phong trào hành động cách mạng của thanh niên để đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Anh Tuấn chia sẻ: “Để phong trào đi đúng hướng và đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức triển khai các phong trào hành động cách mạng. Đồng thời, cần nắm bắt đúng đặc điểm thanh niên như lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ” và xu hướng vận động, biến đổi mau chóng của tình hình thanh niên để phát huy thanh niên đúng lúc, đúng chỗ - chỉ khi đó hiệu quả phong trào của Đoàn mới được khẳng định”.
Bên cạnh tiếp tục duy trì các phong trào đặc thù, anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, các phong trào phù hợp với tình hình cụ thể, nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Đặc biệt, phải cụ thể hóa phong trào trong từng nhóm đối tượng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của từng nhóm đối tượng thanh niên.
Các đại biểu tham dự hội thảo ẢNH T.HẰNG
|
Là địa phương khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cả nước như “Ba sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, phong trào “Xây dựng tập thể học sinh, sinh viên xã hội chủ nghĩa”…, từ thực tiễn các phong trào, anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, bày tỏ: “Các phong trào hành động cách mạng là đòi hỏi đích thực của tuổi trẻ và chính nó đã đáp ứng được nguyện vọng của thanh niên. Nội dung của phong trào đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đất nước, khơi dậy và hun đúc ý thức, trách nhiệm của tuổi trẻ đối với Tổ quốc”.
Cùng với các phương thức giáo dục mang tính truyền thống trước đây, anh Nguyễn Ngọc Việt bày tỏ: “Các hoạt động cần tập trung cho cơ sở, hướng đến thanh niên, đảm bảo hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Đoàn cần xây dựng nội dung phù hợp với tâm lý tiếp nhận, nhu cầu và xu hướng của giới trẻ hiện nay. Đặc biệt, coi trọng công tác truyền thông, tận dụng tối đa hiệu quả, tiện ích của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại. Bên cạnh đó, Đoàn cần khai thác tối đa sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền để phục vụ cho các hoạt động của phong trào thanh niên”.
Thanh niên phải luôn thể hiện tinh thần xung phong
Trước xu thế hội nhập và cuộc cách mạng 4.0, đại biểu Nguyễn Ngọc Khánh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển MobiFone (Tổng công ty Viễn thông MobiFone), đề nghị phong trào đổi mới sáng tạo cần phải được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ.
“Lãnh đạo các đơn vị cần tạo môi trường khuyến khích thanh niên sáng tạo, có những sáng kiến khởi nghiệp và tạo điều kiện tối đa cho các đề xuất của đoàn thanh niên. Trong các cơ quan, đơn vị cần thực hiện các chương trình thi đua về sáng tạo trẻ, có trao thưởng và động viên, tuyên dương kịp thời các tấm gương trẻ điển hình tiêu biểu trong phong trào của đơn vị. Đoàn có thể tạo một sân chơi bằng website để đăng tải các hình ảnh, thông tin, clip… về các mô hình sáng tạo hay tại các đơn vị, để những đơn vị khác học hỏi kinh nghiệm”, anh Khánh nói.
Để trở thành thế hệ kế thừa, kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước như lời dạy của Bác, TS Bùi Phương Thanh (Viện Nghiên cứu Thanh niên), cho rằng thanh niên Việt Nam trong thời đại mới phải luôn thể hiện tinh thần tiên phong, xung kích rèn luyện thông qua việc chuẩn bị tâm thế trước xu thế hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 và sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu.
“Thanh niên cần chuẩn bị một tư duy thời đại 4.0, thể hiện ở sự chủ động, năng động tìm hiểu và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới vận dụng để tiến tới đạt được nhiều thành tựu đóng góp cho xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề ở quy mô toàn cầu, đa quốc gia. Ngoài ra, thanh niên cũng cần tinh thần xung kích, tự nguyện tham gia các hoạt động tình nguyện, sống có trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm và có định hướng lẽ sống theo lý tưởng tốt đẹp”.
Đồng tình với các ý kiến tại hội thảo, anh Nguyễn Anh Tuấn đề nghị trong triển khai các phong trào, chương trình phải hướng đến mục tiêu cao nhất là giáo dục thanh niên, để Đoàn thực hiện chức năng “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”. Chú ý tính lan tỏa của phong trào, sự phát triển phong trào theo bề rộng đi đôi với việc tạo nên những cao trào trong các phong trào hành động cách mạng, từ đó định hình cách thức triển khai, gia tăng giá trị của phong trào nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân.
Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tổ chức triển khai thật tốt các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên để góp phần xây dựng, bồi đắp nên con người mới xã hội chủ nghĩa, những chủ nhân tương lai của đất nước “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác hằng mong đợi”.
Bình luận (0)