Tạo nhiều sân chơi để thúc đẩy sáng tạo từ thực tế

28/08/2016 19:22 GMT+7

Tại Diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác chiều 28.8, nhiều đại biểu tâm đắc với quan niệm tạo sân chơi thúc đẩy sáng tạo từ thực tế của đại biểu Lê Phước Cường đến từ Đà Nẵng.

Mở đầu loạt tham luận về sáng tạo trong thanh niên tại diễn đàn Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác, Nguyễn Đức Nam, sinh viên năm thứ 3 ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ suy nghĩ, thanh niên thường có nhiều ý tưởng hay nhưng ít trao đổi rộng rãi, chỉ trong nhóm nhỏ. Số lượng các sáng kiến được đưa ra trao đổi với doanh nghiệp, giảng viên, giáo sư thường không nhiều nên khó phát huy. Trong khi đó, Đoàn thanh niên cũng có nhiều hoạt động, nhưng cần có nhiều tính sáng tạo hơn nữa, thanh niên cần chủ động chia sẻ rộng rãi để cùng nhau thảo luận, hoàn thiện ý tưởng, sáng kiến.
thanh-nien-sang-tao
TS Lê Phước Cường, đại biểu đến từ Đà Nẵng phát biểu tại Diễn đàn Ảnh Anh Đan
Tiến sĩ (TS) Lê Phước Cường, giảng viên khoa Môi trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), đồng thời là Bí thư Đoàn trường này chia sẻ, muốn có được nhiều sáng tạo phải tạo ra nhiều sân chơi. Từ sân chơi, mỗi thành viên tham gia vào mới nảy ra những ý tưởng hay, mang tính thực tế cao, còn gọi là sáng tạo từ thực tế, thực nghiệm.
“Tại trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, Đoàn thanh niên đã tạo ra khá nhiều sân chơi như CLB khởi nghiệp, CLB tiếng anh, CLB năng khiếu nghệ thuật, triển lãm công nghệ... Song song với đó, sân chơi thông qua hình thức phát động các cuộc thi để thu hút thanh niên tham gia, sáng tạo cũng được những người làm công tác đoàn ở TP.Đà Nẵng áp dụng.
Chia sẻ thêm về phong trào sáng tạo trong tầng lớp thanh niên quân đội, trung tá Trần Viết Năng, Phó trưởng Ban thanh niên quân đội đúc rút, muốn có nhiều sáng tạo, cần phát động giải thưởng. Giải thưởng có thể không cao nhưng vẫn mang tính khích lệ, động viên đoàn viên thanh niên trong quân đội sáng tạo, làm lợi cho quân đội.
Từ năm 2011, trong phong trào thanh niên quân đội có giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo". Từ đó đến nay, đã có khoảng hơn 400 công trình sáng tạo tiêu biểu cấp toàn quân trong hơn 10 lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, hóa học vật liệu, khoa học xã hội nhân văn, y dược học quân sự, giáo dục và huấn luyện quân sự, hậu cần quân sự... có thể áp dụng thực tế.
Bên cạnh đó, ở các cấp quân khu, lữ đoàn, tiểu đoàn, đơn vị,... mỗi năm đều rất mạnh về các hoạt động sáng kiến sáng tạo, số lượng có thể lên đến vài nghìn công trình, tỉ lệ có tính ứng dụng thực tiễn cao. Như vậy, theo trung tá Trần Viết Năng, việc phát động giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo" trong quân đội, đã rất hữu ích, làm lợi cho chính quân đội rất nhiều. So sánh với thời gian chưa phát động giải thưởng, số lượng, chất lượng công trình sáng tạo của thanh niên trong quân đội đã tăng lên rất nhiều.
Theo trung tá Năng, mỗi giải thưởng đều có các tiêu chí rất rõ ràng, trao giải vào đúng ngày sinh nhật Bác Hồ 19.5. Phần thưởng là số tiền nhỏ, thăng quân hàm trước thời hạn, tăng lương, xem xét cử đi học nâng cao trình độ, hay xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ...
Nhà báo Quốc Lê, đại biểu đến từ Ban Thanh thiếu niên, Đài truyền hình Việt Nam (VTV6) nêu quan điểm, hoạt động sáng tạo thì luôn luôn diễn ra hàng giờ ở khắp nơi, nhưng nếu không đẩy mạnh truyền thông, phạm vi chia sẻ sẽ rất nhỏ, việc thu nhận được những ý kiến đóng góp, phản hồi của cộng đồng, tính áp dụng rộng rãi vào thực tế sẽ kém. “Chia sẻ ý tưởng sáng tạo là để nâng cao kết nối, thúc đẩy người khác cùng đào sâu sáng tạo” nhà báo Quốc Lê bày tỏ.
Cũng theo nhà báo Quốc Lê, khi ý tưởng sáng tạo, sản phẩm sáng tạo của một ai đó được nêu lên cho nhiều người cùng biết thì cơ hội hợp tác, đầu tư, kết nối đầu ra cho sản phẩm cũng tốt hơn rất nhiều. Truyền thông cho hoạt động sáng tạo cũng là một cách hỗ trợ việc tự tạo cơ hội cho thanh niên. Phương pháp truyền thông có thể qua đài, báo, mạng xã hội. Ngay chính người có ý tưởng, sản phẩm sáng tạo cũng cần rèn luyện khả năng truyền thông cho chính sản phẩm của mình để đông đảo cộng đồng cùng biết.
TS Trần Hữu Lập, giảng viên ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, cần tham khảo, học tập mô hình tốt ở nước ngoài, rút kinh nghiệm, sáng tạo áp dụng vào hoàn cảnh trong nước. Các nhà khoa học phải tích cực tìm hiểu trên thực tế, sáng tạo từ thực tế mới tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng thực tế cao. Thực tế, nhiều ý tưởng sáng tạo chỉ nằm trên giấy, nhưng vẫn cần tôn trọng những sáng tạo ấy, dù nhỏ hay lớn để khích lệ, động viên.
Quá giờ giải lao, hội trường của diễn đàn vẫn sôi nổi ý kiến thảo luận. Đặc biệt nhất là ý kiến của một đại biểu là nữ sinh lớp 11 đến từ Hà Giang, khi đại biểu này đặt ngược vấn đề cần phải có diễn đàn, “sân chơi” cho các cấp lãnh đạo, quản lý, giáo dục để tìm ra sáng kiến trong lãnh đạo. “Lấy ví dụ rất gần là ở trường, thầy cô hay áp dụng phương pháp học tập cũ, trong khi chúng em có thể học lịch sử bằng cách hát ráp, học toán ở ngoài trời...”.
Nhiều ý kiến tại diễn đàn cũng cho rằng, các cấp lãnh đạo T.Ư, các cơ quan, đơn vị cũng cần phải quan tâm dẫn dắt, động viên hoạt động sáng tạo, cả những giải thưởng nhỏ cho những công trình sáng tạo nhỏ để động viên, khích lệ sáng tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.