Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày có khó không?

17/04/2018 08:26 GMT+7

Sau mỗi câu chuyện đẹp được lan tỏa lên mạng xã hội là những hiệu ứng rất tích cực từ cộng đồng. Làm thế nào để những câu chuyện này được lan tỏa nhiều hơn, và có khó không khi lan tỏa những điều tốt đẹp lên mạng xã hội?

Cuộc sống sẽ đẹp hơn nhiều, nếu…
Bản thân mình đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện tốt, cứ ra đường thấy một hình ảnh đẹp nào đó mình đều chụp lại và chia sẻ lên mạng. Mình thấy như thế cũng góp phần làm cho cuộc sống này đẹp hơn, văn minh hơn, và giúp được nhiều người. 
Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày có khó không ?1
Mình đã chia sẻ câu chuyện về cụ ông hơn 90 tuổi ở Q.Gò Vấp đi bán bánh ú nuôi 2 người con gái tật nguyền. Sau câu chuyện này, cụ ông đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và giúp đỡ của cộng đồng… Mình nghĩ, chỉ cần mỗi ngày một câu chuyện, mỗi người một câu chuyện đẹp chia sẻ lên mạng xã hội thì cuộc sống này sẽ đẹp hơn rất nhiều.
Hồ Trung Dung 
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Suy nghĩ tích cực sẽ hành động tích cực
Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày có khó không ?2
Việc lan tỏa một câu chuyện tốt, đẹp trên mạng xã hội là một điều không khó nhưng không hề dễ. Bởi mạng xã hội là một xã hội ảo thu nhỏ mà bạn trẻ cần có nguồn thông tin trực quan, chính xác để có thể chia sẻ, đồng thời phải có đủ nhận thức trước những luồng thông tin trái chiều từ những thành phần không tốt, lợi dụng vì mục đích riêng.
Mỗi người một cú nhấp chuột, một nút “like” về câu chuyện tốt, đẹp dần dần sẽ dẫn đến thói quen giúp chúng ta hình thành suy nghĩ luôn nhìn, đọc, xem, hướng đến những điều tích cực và chia sẻ đến mọi người xung quanh. Suy nghĩ tích cực sẽ hành động tích cực.
Phạm Thị Phước Mai Trinh
(Sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương)
Bài trừ những điều không hay
Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày có khó không ?3
Ngày nay chúng ta thấy những câu chuyện đẹp, chuyện tốt ít nhận được sự chia sẻ từ người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Tâm lý chung của người trẻ thường nhìn vào "vết mực" hơn là phần còn lại trên tờ giấy trắng (thích tập trung vào điểm đen hơn điểm sáng). Nói khác đi, các bạn trẻ hay "soi" những điều chưa tốt, chưa hoàn hảo. Điều này tạo ra một thực tế đáng buồn là những chia sẻ gây sốc, bạo lực, độc hại... luôn nhận được sự chú ý từ nhiều người.
Mỗi người trẻ cần lên tiếng, bài trừ, chấm dứt những điều không hay để những điều hay, câu chuyện đẹp được chia sẻ nhiều hơn. Để làm nên một ngôi nhà (mạng xã hội) lành mạnh thì mỗi cá nhân người dùng hãy góp một viên gạch tử tế.
Bên cạnh đó, cần thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội, hãy thường xuyên để tâm đến những câu chuyện đẹp, ý nghĩa và mang tính giáo dục. Hình thành một thói quen mới, hành vi mới là một quá trình nên người trẻ cần thích nghi và cố gắng thay đổi. Mặt khác, cũng cần có sự truyền thông mạnh mẽ từ xã hội và các cơ quan chức năng cần quản lý thông tin mạng chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, người trẻ cần đặt nhận thức của mình trước khi like, share hay comment tránh để cảm xúc chi phối. Hướng đến một mạng xã hội lành mạnh rất cần ở mỗi người dùng.
Đặng Hoàng An 
(Giảng viên tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Tạo ra trào lưu lành mạnh trên mạng xã hội
Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày có khó không ?4
Mỗi bạn trẻ cần có ý thức và quan tâm hơn về những hoạt động của cá nhân trên mạng xã hội. Với những bạn có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng mạng nên kết nối, chia sẻ những câu chuyện nhân văn hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu về văn hóa và xã hội có sự định hướng rõ ràng, tạo điều kiện cho những trào lưu tốt lành mạnh trong nhận thức thông tin xã hội được hiệu quả hơn.
Chế Dạ Thảo
(Chuyên viên tham vấn tâm lý, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM)
Nói không với “bàn phím giết người”
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm, khi những tin xấu bị lan truyền, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, thì sẽ thu hút nhiều người xúm lại "ném đá" nhân vật chính mà không cần biết hậu quả, hay soi mói rồi thẳng tay đưa ra những bình luận, chê bai mà chưa nắm rõ nội tình sự việc.
“Thay vì làm người vô tâm trên mạng, chia sẻ những tin xấu như vậy, thì khi phát hiện những hình ảnh, đoạn phim nhạy cảm, những bài viết chưa rõ thực hư đang chỉ trích ai đó, hãy “nói không” với “bàn phím giết người”. Không quan tâm, không bấm like (thích), không comment (bình luận) và không chia sẻ. Hoặc có thể báo cáo sai phạm để những thông tin xấu ấy nhanh chóng bị gỡ bỏ, không có cơ hội được lan truyền. Tôi mong rằng trên trang web, fan page của các trường, nên đăng thật nhiều câu chuyện hay, ý nghĩa, các tấm gương về nghị lực sống, những thông tin tốt, tích cực… để học sinh tham khảo, học được tính lạc quan, tích cực khi đối diện với những thử thách, áp lực…”, bà Thương nói.
Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.